co-nen-bo-vung-toi-1
Đừng loại bỏ vùng tối ra khỏi hình ảnh!

Máy ảnh hiện đại có Dải Động (Dynamic Range) cực kỳ đáng kinh ngạc, cho phép bạn có thể chụp từ các vùng tối nhất đến các vùng sáng nhất. Nhưng liệu chúng ta có cần mọi thứ trong dải động hay không? Dưới đây là chia sẻ của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Nando Harmsen về tầm quan trọng của vùng tối và vùng sáng trong một bức ảnh phong cảnh.

Lời mở đầu

Cách máy ảnh nhìn thế giới khác với những gì chúng ta thấy. Đôi mắt của chúng ta đang tự điều chỉnh để phù hợp với lượng ánh sáng bên ngoài. Đây là cách ta có thể nhìn thấy các chi tiết cả trong bóng tối lẫn trong ánh sáng mặt trời gay gắt khi dải động vượt xa khả năng của mắt chúng ta.

Nhưng hãy thử nhìn vào một vùng sáng trước khi bạn nhìn sang một vùng tối. Bạn sẽ không thể nào nhận ra được những chi tiết có trong vùng tối đó ngay lập tức. Chỉ khi bạn tập trung nhìn vào khu vực tối đó trong một khoảng thời gian nhất định, các chi tiết trong vùng tối mới có thể nhìn thấy được.

co-nen-bo-vung-toi-2
Không phải lúc nào bạn cũng cần phải nhìn thấy rõ những chi tiết trong vùng tối

Trong nhiếp ảnh, chúng ta có thể sử dụng chế độ đo sáng của máy ảnh một cách chính xác. Chỉ cần hướng máy vào một vùng sáng và nó sẽ điều chỉnh các cài đặt. Hướng nó về phía vùng tối và các cài đặt được điều chỉnh lại. Nhưng không thể có cả hai cài đặt cùng một lúc cho các khu vực khác nhau trong một hình ảnh duy nhất. 

Độ sáng trong biểu đồ ánh sáng

Thường thì chế độ đo sáng trung bình được sử dụng để thu được càng nhiều chi tiết càng tốt và chúng ta luôn cố gắng điều chỉnh độ sáng của bức ảnh trong quá trình xử lý hậu kỳ. Nếu ảnh có hiện tượng noise, ta có thể thực hiện thủ thuật Bracketing. Mục tiêu là một hình ảnh mà tất cả độ sáng phải nằm trong ranh giới của biểu đồ ánh sáng 8 bit (Histogram) mà hầu như không có màu trắng tinh khiết hoặc màu đen tinh khiết nào trong hình ảnh.

co-nen-bo-vung-toi-3
Tại sao chúng ta không để lại thứ gì đó khiến người xem phải tưởng tượng?

Làm như vậy, mọi thứ trong khung cảnh sẽ được phơi sáng phù hợp, để lộ từng chi tiết nhỏ nhất. Có thể vẫn tồn tại một số vùng tối nhưng các chi tiết trong vùng đó sẽ không bị mất đi hoàn toàn. 

Nhìn lại những ngày tháng chụp ảnh phim

Khi tôi nhìn lại thời tôi còn chụp ảnh phim thì phim âm bản có dải động khá lớn. Tôi có thể nhớ chính xác trong một quảng cáo phim chụp ảnh hiệu Agfa đã nói về số điểm dừng nó có thể chụp được mà không gặp phải những vùng sáng hoặc vùng bóng tối bị cắt bớt. Có thể nói, những tấm phim đó hơi giống với các cảm biến trên máy ảnh kỹ thuật số hiện đại và dải động cao của chúng.

co-nen-bo-vung-toi-4
Sáng và tối là hai khía cạnh quan trọng của một bức ảnh

Mặt khác, phim màu dương bản (slide film) có dải động kém hơn nhiều. Điều này làm cho việc xử lý độ tương phản trong hình ảnh trở nên dễ dàng hơn. Trong khi phim âm bản có độ phơi sáng cân bằng trên toàn bộ hình ảnh, phim màu dương bản thể hiện ánh sáng và bóng tối tốt hơn nhiều. Đã có rất nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích phim màu dương bản chỉ vì lý do này.

Bạn có muốn tất cả các chi tiết trong ảnh đều phải hiện lên không?

Ngày nay, chúng ta thường muốn hình ảnh của mình giống như những tấm phim âm bản. Chúng ta luôn muốn tất cả các chi tiết trong ảnh hiện lên rõ nhất và không muốn bị mất đi chi tiết nào trong vùng tối nhất của bức ảnh. Chúng ta thường sử dụng dải động rất lớn của máy ảnh để làm điều đó. Bằng cách tăng highlights và shadows bạn có thể làm rõ từng chi tiết nhỏ nhất trong hình ảnh. Nếu làm như vậy vẫn không đủ hoặc xuất hiện hiện tượng nhiễu (noise), thì tính năng bù phơi sáng sẽ cho phép bạn vượt qua giới hạn của cảm biến máy ảnh.

co-nen-bo-vung-toi-5
Bức ảnh này là kết quả của tính năng bù phơi sáng và HDR.

Mặc dù các kỹ thuật trên thật tuyệt vời, nhưng điều đó vô tình khiến hình ảnh của chúng ta trở nên kém thú vị hơn. Tiết lộ mọi thứ trong khung hình sẽ loại bỏ những điều “bí mật” trong khung cảnh, không còn cảm giác bí ẩn nữa. Khi đó bạn nhìn vào một hình ảnh và không thể kích hoạt trí tưởng tượng của mình. 

Đừng làm rõ mọi thứ trong hình ảnh của bạn

Bạn có biết đôi mắt của chúng ta bị thu hút bởi những phần sáng nhất trong một bức hình như thế nào không? Nếu đối tượng của bạn sáng hơn so với môi trường xung quanh, nó sẽ cực kỳ nổi bật. Đó sẽ là thứ đầu tiên bạn nhìn thấy trong hình ảnh. Điều này cũng hoạt động tương tự khi đối tượng chính trong ảnh tối hơn so với những phần khác trong khung hình. Hãy tưởng tượng khi bạn tăng sáng cho hình ảnh và khiến mọi thứ rõ ràng, khi này đối tượng chính trong ảnh sẽ không còn nổi bật nữa.

co-nen-bo-vung-toi-6
Tất cả mọi chi tiết đều hiện ra rất rõ ràng!
co-nen-bo-vung-toi-7
Những vùng tối khiến bức ảnh có điểm nhấn hơn

Đó là lý do tại sao sáng và tối lại quan trọng trong một bố cục. Nó sẽ dẫn dắt sự chú ý của bạn vào hình ảnh và chủ thể của bạn sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất. Để những phần kém thú vị của hình ảnh tối đi, đặc biệt khi những phần này vốn ở trong bóng tối. Các chi tiết trong các vùng tối đó thường không đáng kể so với bản thân chủ thể. Điều này không có nghĩa là những vùng đó phải tối om, chỉ là để ánh sáng ở những khu vực đó không thu hút quá nhiều sự chú ý mà thôi.

co-nen-bo-vung-toi-8
Ánh sáng mặt trời tuyệt đẹp trong một khu rừng. Bạn có thể tưởng tượng nó sẽ trông như thế nào khi mọi thứ đều sáng không?

Vậy điều này có nghĩa là tính năng Phơi sáng mở rộng (Exposure Bracketing) bị sai? HDR có phải là một kỹ thuật nên tránh không? Dĩ nhiên là không. Trong nhiều tình huống, những tính năng này là sự lựa chọn tốt. Trên thực tế, tất cả các chi tiết của khung cảnh được thể hiện một cách rõ ràng khi bạn dùng Exposure Bracketing hay HDR. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn xử lý hình ảnh theo đúng cách, phân bổ lại các phần tối và sáng hợp lý. Bạn không cần phải làm sáng mọi thứ trong bức hình đâu!

Đừng thêm quá nhiều ánh sáng

Có một vấn đề khác khi sử dụng dải động tối đa của máy ảnh hoặc hình ảnh HDR bằng cách sử dụng tính năng Phơi sáng mở rộng (Exposure Bracketing) đó là: 

Nếu bạn tăng vùng tối (shadows) khi chỉnh ảnh thì bạn đang vô tình thêm ánh sáng vào những vùng mà ngay từ đầu không có. Đó là điều nên tránh càng sớm càng tốt. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ có một hình ảnh không hề có điểm nhấn.

co-nen-bo-vung-toi-9
Mặt trời chiếu vào từ phía sau ngọn núi trên biển tại Reynisfjara ở Iceland

Tóm lại, kỹ thuật HDR không sai nhưng bạn cần lưu ý rằng vùng tối thường là yếu tố cần thiết trong một bức ảnh. Yếu tố này có thể áp dụng cho chụp thể thao, macro, phong cảnh hoặc bất kỳ lĩnh vực nhiếp ảnh nào khác. Nếu không có vùng tối, hình ảnh sẽ trở nên kém thu hút. Bằng cách để lại một số vùng tối trong ảnh sẽ giúp bạn che đi những phần kém thú vị hơn và chủ thể của bạn sẽ được chú ý nhiều hơn.

co-nen-bo-vung-toi-10
Một cảnh quan kỳ lạ và bí ẩn nhờ những vùng tối

Bạn cảm thấy thế nào về việc sử dụng vùng tối trong những bức hình của mình? Bạn thích sử dụng vùng tối hay bạn thích mọi thứ phải thật rõ ràng? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn với Vietpixel trong phần bình luận bên dưới nhé.

Theo Fstoppers

Contributor
Bạn có thích bài viết của Thanh Ngoan không? Theo dõi trên mạng xã hội!

Chọn Chủ đề

NHIẾP ẢNH KIẾN TRÚC

THẺ TAG

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel