Khoảng trống giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới nhiếp ảnh?
Khoảng cách giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới nhiếp ảnh?

Khi bạn lắp một bộ ống kính, bạn có thể muốn có toàn bộ những độ dài tiêu cự quan trọng mà không có bất kỳ khoảng cách nào giữa chúng. Một số bộ ống kính khá phổ biến hiện nay như 14-24mm, 24-70mm và 70-200mm. Các bộ ống kính đa dụng cũng vậy, như 16-35mm, 24-105mm và 70-200mm.

Đây hầu hết là những chiếc ống kính tuyệt vời và bạn có thể dễ dàng mua thêm các ống kính khác như ống kính một tiêu cự 50mm f/1.4 hoặc ống kính super-tele để làm cho việc chụp ảnh được linh hoạt hơn nữa. Để đánh giá một bộ ống kính có thực sự tốt hay không, có cần quá quan trọng về khoảng cách giữa các tiêu cự?

Khoảng cách giữa các tiêu cự có ảnh hưởng gì không?

Trên thực tế, không cần thiết phải tránh các khoảng cách giữa các tiêu cự miễn là chúng không quá xa nhau. Lấy ví dụ một bộ ba ống kính phổ biến như: zoom 16-35mm, 50mm và zoom 70-200mm. Mặc dù bộ ống kính này bỏ độ dài tiêu cự từ 35mm đến 50mm, cũng như từ 50mm đến 70mm, những khoảng cách này rất nhỏ nên nó sẽ không phải là vấn đề đối với nhiều nhiếp ảnh gia.

Nếu khoảng cách lớn hơn thì sao? Bộ hai ống kính bao gồm 35mm f/1.4 và 85mm f/1.4 (hoặc lựa chọn f/1.8 cho những người dư giả tiền bạc) khá phổ biến trong số các nhiếp ảnh gia chân dung, phóng viên ảnh và những người chụp khác cần có ánh sáng tối đa. Một số nhiếp ảnh gia thêm một tiêu cự 50mm để hoàn thiện bộ ống kính, nhưng nhiều nhiếp ảnh gia thì không. Chỉ cần ống kính 35mm và 85mm là đủ.

Khoảng trống giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới việc chụp ảnh?
NIKON D800E + 35mm f/1.8 @ 35mm, ISO 2500, 1/50, f/1.8

Các nhiếp ảnh gia có rất nhiều lý do chính đáng để chọn một bộ kit có khoảng cách nhất định về tiêu cự. Trọng lượng của ống kính và giá cả là hai trong số những mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các nhiếp ảnh gia – và bạn có thể tiết kiệm cả hai nếu bạn không quan trọng vấn đề khoảng cách giữa các tiêu cự. Nhưng luôn có một sức hấp dẫn nhất định khi mang theo một bộ hai ống kính đi chụp ảnh, bạn sẽ ngay lập tức biết mình cần góc rộng hơn hay hẹp hơn cho một bức ảnh cụ thể. Đối với một số nhiếp ảnh gia, điều này thực sự cần thiết và cũng có nghĩa là họ sẽ có nhiều ảnh đẹp với nhiều góc chụp khác nhau.

Cá nhân tôi ngày xưa, hai ống kính duy nhất tôi có là 24mm và 105mm. Máy ảnh tôi dùng là Nikon D7000 cảm biến crop, tiêu cự tương đương sẽ vào khoảng 35mm và 150mm. Tôi không có đủ tiền để mua thêm các ống kính khác và tất nhiên đã có lúc tôi cảm thấy khó chịu vì khoảng cách giữa độ dài các tiêu cự quá lớn. Nhưng tôi đã vượt qua được khoảng thời gian đó. Đối với nhiều chuyến đi chụp ảnh xa, tôi sẽ lắp sẵn ống kính 24mm trên máy ảnh và để ống 105mm trong túi của mình đề phòng trường hợp bắt gặp khoảnh khắc xuất hiện ở xa. Và tôi đã khá thành công với chiến lược này.

Khoảng trống giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới việc chụp ảnh?
NIKON D7000 + 24mm f/1.4 @ 24mm, ISO 200, 1/80, f/2.5
Khoảng trống giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới việc chụp ảnh?
NIKON D7000 + 105mm f/2.8 @ 105mm, ISO 1600, 1/20, f/2.8
Khoảng trống giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới việc chụp ảnh?
NIKON D7000 + 24mm f/1.4 @ 24mm, ISO 100, 1/1600, f/1.4
Khoảng trống giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới việc chụp ảnh?
NIKON D7000 + 105mm f/2.8 @ 105mm, ISO 100, 1/125, f/5.0

Vậy làm sao để khắc phục khoảng cách về tiêu cự? Hoàn toàn có thể bằng cách di chuyển cơ thể của bạn linh hoạt. Điều này rất hữu ích khi bạn còn có thể thay đổi nhiều góc chụp để tìm được góc đẹp nhất. Một cách khác là bạn có thể cắt xén hoặc tạo ảnh toàn cảnh trong quá trình hậu kỳ.

Nhưng đối với tôi 2 cách trên vẫn là chưa đủ. Mặc dù tôi rất thích chụp kết hợp hai bộ ống kính 24mm + 105mm, nhưng không có bất kỳ cách di chuyển hoặc cắt xén ảnh hợp lý nào có thể thu hẹp khoảng trống giữa các độ dài tiêu cự đó. Một năm sau, tôi đã mua thêm một ống kính tiêu chuẩn 50mm. Tôi không sử dụng ống 50mm nhiều như hai ống kính còn lại, nhưng đôi lúc tôi vẫn cần tới nó.

Vì vậy, khoảng cách giữa các tiêu cự bao nhiêu là hợp lý và bao nhiêu là quá nhiều?

Khoảng cách tiêu cự hợp lý cho nhiếp ảnh gia

Một phần sẽ phụ thuộc vào người chụp. Một số nhiếp ảnh gia cảm thấy khó chịu nếu họ thiếu đi một ống kính với tiêu cự nào đó. Một số nhiếp ảnh gia khác thì chỉ cần một hoặc hai ống kính cho phần lớn công việc của họ – có thể là ống kính góc rộng và ống kính tele, hoặc có thể chỉ là có duy nhất một ống kính tiêu cự 50mm tiêu chuẩn như N.A.G Henri Cartier-Bresson nổi tiếng – ông chỉ sử dụng ống kính 50mm trong phần lớn cuộc đời của mình.

Và một điều cũng cực quan trọng mà bạn cần nhớ: sự khác biệt về góc chụp giữa ống kính góc rộng đáng kể hơn so với ống kính tele. Ví dụ: sự khác biệt giữa ống kính 14mm và ống kính 18mm lớn hơn sự khác biệt giữa ống kính 400mm và ống kính 500mm. Cái trước cách nhau khoảng 1,29 lần và cái sau là 1,25 lần. Khi tìm ra khoảng cách giữa hai thấu kính, hãy tính theo hệ số nhân giữa chúng thay vì tính chênh lệch milimet đơn giản.

Khoảng trống giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới việc chụp ảnh?
NIKON Z7 + NIKKOR Z 14-30mm f/4 S @ 18mm, ISO 64, 4 seconds, f/16.0

Còn với cá nhân tôi thì hoàn toàn thoải mái với khoảng cách độ dài tiêu cự chênh nhau 1,5 lần giữa các ống kính và tôi chỉ bắt đầu cân nhắc xem tôi có nên thêm thứ gì khác không nếu khoảng cách lớn hơn 2 lần. Mỗi người sẽ có một tiêu chuẩn khác nhau về ống kính, nhưng đó là điều đã phù hợp với tôi trong hầu hết mọi tình huống trong nhiều năm qua.

Nói cách khác, bộ ống kính một tiêu cự tối giản mà tôi hài lòng là 24mm, 50mm, 100mm. Một bộ đầy đủ hơn (và vẫn hợp lý) là 24mm, 35mm, 50mm, 70mm, 100mm. Mặt khác, đối với những ai không thích có quá nhiều khoảng cách sẽ dùng một bộ đầy đủ bao gồm 24mm, 28mm, 35mm, 40mm, 50mm, 58mm, 70mm, 85mm, 100mm. Danh sách này trung bình chỉ chênh lệch khoảng 1,2 lần giữa ống kính này với ống kính khác. Bạn không cần thiết phải mua cả bộ như trên vì thực tế sẽ không cần dùng hết mà còn lãng phí tiền bạc.

Tuy nhiên, điều này không bắt buộc, nếu bạn yêu thích và có túi tiền rủng rỉnh thì hoàn có thể mua một bộ đầy đủ như trên. Hầu hết các nhiếp ảnh gia cảm thấy thoải mái với bộ ống kính 24mm và 35mm để bao phủ phạm vi 24-35mm, nhưng những người khác sẽ không cảm thấy phù hợp trừ khi họ có thêm ống kính 28mm trong túi của mình (hoặc chỉ sử dụng ống kính zoom ngay từ đầu). Nếu đó là cách chụp ưa thích của bạn, thì hãy cứ “yolo” thôi.

Ngược lại, khoảng cách giữa các tiêu cự cách nhau gấp 2 lần mà tôi cố gắng tránh dường như không phải là ngưỡng chính xác. Bạn còn nhớ những nhiếp ảnh gia chụp chân dung chụp bằng ống kit 35mm và 85mm không? Đó là khoảng cách lên tới 2,4 lần. Nhiều nhiếp ảnh gia cảm thấy yêu thích sự đơn giản, họ có những mối quan tâm khác hơn là bị ám ảnh về khoảng cách giữa các tiêu cự.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là bạn phải cảm thấy hài lòng với ống kính bạn đang sử dụng. Nhưng điều quan trọng thứ hai là đừng căng thẳng về những vùng tiêu cự nhỏ bị bỏ sót giữa hai ống kính! Có lần tôi thấy một nhiếp ảnh gia lo lắng ống kính 14-24mm, 24-70mm và 80-400mm của mình bỏ sót tiêu cự giữa 70mm và 80mm. Không cần thiết phải lo lắng như vậy đâu bạn nhé.

Khoảng trống giữa các tiêu cự quá lớn có ảnh hưởng tới việc chụp ảnh?
Canon EOS R5 + RF 50mm F1.8 STM @ 50mm, ISO 100, 1/6, f/11.0

Nguồn cảm hứng cho bài viết này đến khi tôi test ống kính không gương lật Canon 35mm f/1.8, 50mm f/1.8 và 24-240mm f/4-6.3 RF cho các bài đánh giá sắp tới tại Photography Life. Tôi để lại ống 24-240mm ở nhà vì tôi phải đi bộ chụp ảnh đường dài… và thay vì cảm thấy tiếc, tôi thực sự cảm ơn vì đã mang hai ống kính 35mm và 50mm đi theo và không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào. Tôi đã có một chuyến đi bộ khá dễ dàng và nhẹ nhàng. Tôi đã chụp được một số ảnh để đính kèm cho mỗi bài đánh giá. Nhưng trong tương lai, trong một chuyến đi nhiều ngày, nếu muốn nhẹ túi, tôi sẽ để một trong hai chiếc ở nhà mà không cần lo lắng về bất kỳ khoảng cách tiêu cự nào cản bước tôi.

Lời kết

Bạn vẫn nên giảm thiểu khoảng cách giữa các tiêu cự xuống khoảng 1,5 lần hoặc 2 lần nếu có thể. Nhưng nếu bạn gặp vấn đề về kinh phí, hay thích sự nhẹ nhàng đơn giản, hãy ưu tiên các yếu tố này. Ngay cả với khoảng cách độ dài tiêu cự lớn, bạn có thể di chuyển xung quanh, tiến xa hoặc lại gần, tạo ảnh toàn cảnh, cắt xén ảnh ở phần hậu kỳ và lập bố cục một cách chu đáo để chụp được những bức ảnh đẹp đối với mọi đối tượng. Đó là bởi vì công cụ quan trọng nhất trong nhiếp ảnh không phải là ống kính, mà là tư duy sáng tạo của chính người chụp – là bạn đó!

Trên đây là chia sẻ của nhiếp ảnh gia phong cảnh: Spencer Cox. Ảnh của anh đã được trưng bày trên toàn thế giới, bao gồm Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian và các cuộc triển lãm ở London, Malta, Siena và Bắc Kinh.

Nguồn: photographylife.com

Contributor
Bạn có thích bài viết của Thanh Ngoan không? Theo dõi trên mạng xã hội!

Chọn Chủ đề

NHIẾP ẢNH KIẾN TRÚC

THẺ TAG

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel