Nikon đã đăng ký bằng sáng chế cho bản thiết kế hai ống kính zoom khẩu độ lớn cho hệ thống máy ảnh Z-mount không gương lật, đó là ống kính 35-50mm f/1.2 và ống kính 50-70mm f/1.2.
Thông tin chi tiết về 2 ống kính
Nội dung bằng sáng chế mô tả đây là một hệ thống ống kính thu phóng, có khả năng duy trì độ phóng đại f/1.2 trên phạm vi rộng. Hai ống kính trên sẽ mang tới cho nhiếp ảnh gia khả năng chụp giữa khoảng tiêu cự 35mm và 70mm với khả năng thu sáng và độ sâu trường ảnh đáng kinh ngạc.
Nikon hiện đang sản xuất 25 ống kính ngàm Z, trong đó chỉ có một ống kính f/1.2, đó chính là ống kính một tiêu cự Nikkor 50mm f/1.2. Đây không phải là ống kính chụp nhanh nhất được sản xuất bởi Nikon, vì công ty này tất nhiên cũng có loại ống kính 58mm f/0.95 Noct.
Hình ảnh quang học phức tạp bên trên được coi như một phần trong bằng sáng chế. Để duy trì khẩu độ rộng thông qua phạm vi thu phóng, các ống kính khi được sản xuất ra rất có thể sẽ nặng và đắt tiền. Bằng sáng chế ống kính 35mm-50mm f/1.2 mô tả ống kính này dài tới 210mm (vào khoảng 8,3 inch). Chiều rộng của ống kính không có trong bản vẽ trên, nhưng theo dự đoán rất có thể nó sẽ khá lớn.
Khẩu độ lớn f/1.2 vốn đã không phổ biến trong các ống kính một tiêu cự, và cũng chưa có nhiều người biết đến khả năng thu phóng của nó. Sigma đã là người dẫn đầu và tạo ra một làn sóng vào năm 2015 khi phát hành ống kính 24-35mm f/2, nhưng Nikon có vẻ như đã lên kế hoạch vượt qua nỗ lực của Sigma bằng cách tạo ra hẳn 2 ống kính zoom nhanh hơn Sigma.
Trước đó, Panasonic và Leica cũng đã hợp tác cùng nhau để tạo ra 2 ống kính zoom f/1.7 rất ấn tượng là ống 10-25mm f/1.7 và ống 25-50mm f / 1.7. Nhưng cả 2 ống kính đó đều dành cho hệ thống Micro Four Thirds, có nghĩa là các công ty có thể nén kích thước quang học cần thiết chỉ trong một cảm biến nhỏ.
Dựa trên bằng sáng chế của Nikon, dự kiến rằng hai ống kính f/1.2 của hãng này ít nhất sẽ dành cho APS-C nếu không phải cho dòng máy full-frame.
Liệu 2 ống kính này có được đưa vào sản xuất?
Trên thực tế thì 2 ống kính trên vẫn chỉ đang nằm trên giấy, có nghĩa là Nikon vẫn có thể quyết định không sản xuất 2 ống kính đó. Từ giai đoạn được cấp bằng sáng chế đến khâu sản xuất sẽ còn rất nhiều sai sót, và Nikon có thể thấy rằng những ống kính này quá phức tạp hoặc quá tốn kém để sản xuất trên quy mô lớn.
Chẳng hạn, vào năm 2012, Leica đã thiết kế một ống kính 28-75mm f/3.5-5.6 và đã gặp khó khăn trong việc sản xuất do sự phức tạp của thiết kế cơ học và quang học, và công ty này đã hủy bỏ dự án vào năm 2015. Một ống kính thuộc dự án này mà Leica từng sản xuất được bán với giá 290.000$ vào tháng 12 năm 2020. Có thể thấy mức giá này quá đắt cho một chiếc ống kính chụp ảnh.
Tuy nhiên, nếu Nikon khắc phục được những khó khăn đã từng khiến Leica phải bỏ cuộc, 2 ống kính này sẽ được coi là một trong những ống kính zoom ấn tượng nhất từng được sản xuất.
Theo Petapixel