Đây là phần thứ hai của loạt bài về bí kíp chụp ảnh phong cảnh của nhiếp ảnh gia Dylan Giannakopoulos. Bạn có thể xem phần một tại đây.

#1 Thỏa sức sáng tạo với việc sử dụng Bộ lọc ND

Bộ lọc mật độ trung tính (ND) mở ra một thế giới sáng tạo vô tận. Bộ lọc ND cho phép các nhiếp ảnh gia chụp thế giới theo cách siêu thực, trừu tượng bằng cách giảm lượng ánh sáng đi vào ống kính và giảm tốc độ màn trập xuống chậm hơn. Điều này thường được gọi là chụp ảnh phơi sáng dài.

Công dụng phổ biến nhất của kính lọc ND là làm mịn nước và mây. Kiểu chụp ảnh phơi sáng đơn giản này có thể tạo ra một bức ảnh rực rỡ, bắt mắt bằng cách thêm yếu tố siêu thực vào bố cục.

meo-chup-anh-phong-canh-1
Sony A7R Mark II, ống kính FE 70-200mm F4 G OSS. 0.4s @ f5.6, ISO 100.

Tương tự, bạn có thể biến những bãi biển đầy sỏi đá thành một bãi biển mờ ảo sương khói bằng cách chụp phơi sáng từ 1 đến 5 phút.

Nhưng tại sao chỉ dừng lại ở mức phơi sáng 5 phút? Một số nhiếp ảnh gia đã tiến hành thêm một bước nữa và xếp chồng các bộ lọc ND để giảm độ phơi sáng của chúng đi hơn 16 stop, cho phép phơi sáng 15 phút hoặc thậm chí kéo dài hàng giờ đồng hồ!

Ngoài việc làm mịn nước và mây, bộ lọc ND cũng có thể được sử dụng để tạo đường dẫn thông qua những con đường mòn hoặc bất kỳ đường dẫn nào tùy theo sự sáng tạo của bạn. Điều quan trọng khi lên khung bố cục là phải làm sao cho hình ảnh có thể vượt ra ngoài những gì bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hãy hình dung cách bạn có thể thêm nhiều yếu tố vào trong bố cục hình ảnh của mình thông qua chụp ảnh phơi sáng.

Cách thiết lập bộ lọc ND

Trước khi gắn bộ lọc ND vào ống kính, bạn cần đặt trước độ phơi sáng và đảm bảo máy ảnh của bạn đang ở Chế độ thủ công (Manual). Bằng cách đó, bạn sẽ có thể tính toán chính xác tốc độ màn trập mới của mình sau khi bộ lọc ND được gắn vào bằng cách sử dụng ứng dụng tính độ phơi sáng dài. Cuối cùng, bạn nên lấy nét theo cách thủ công trước khi sử dụng bộ lọc ND vì hầu hết các hệ thống AF của máy ảnh sẽ gặp khó khăn để lấy nét chính xác trong điều kiện ánh sáng cực yếu như vậy.

#2 Kiểm tra dự báo thời tiết về mật độ mây

Mặc dù dự báo thời tiết không thể chính xác 100% nhưng đây là cách bạn có thể sử dụng để dự đoán cường độ của bình minh hoặc hoàng hôn, mang lại sự yên tâm hơn rằng việc bạn thức dậy vào lúc 4 giờ sáng là xứng đáng. 

Khi xem dự báo thời tiết, bạn nên tập trung vào dự báo về mật độ mây. Có ba điều bạn nên cân nhắc: độ cao, độ phủ và vị trí mây. Về độ cao, những đám mây tầng cao là nguyên nhân dẫn đến cảnh hoàng hôn có màu đỏ ấn tượng. Các đám mây lơ lửng ở tầng giữa và tầng thấp vẫn có thể cho ta tông màu vàng cam mờ. Nhưng hầu hết các nhiếp ảnh gia săn ảnh phong cảnh không mong đợi trường hợp này vì có nhiều khả năng cảnh hoàng hôn kiểu này khi lên ảnh thường sẽ bị mờ nhạt hơn. Điều quan trọng không kém mà bạn cần cân nhắc đó chính là tỷ lệ mây che phủ chiếm bao nhiêu phần trăm bầu trời trong khu vực bạn muốn chụp ảnh.

meo-chup-anh-phong-canh-2
Ảnh của Dylan Giannakopoulos

Khi chụp hình ảnh này, tôi bị thu hút bởi hàng cây Wanaka thuôn dài và hồ nước phẳng lặng. Bằng cách đặt đường chân trời ở giữa ảnh, tôi có thể sử dụng tính đối xứng trong bố cục của mình, biến hàng cây thành thứ gần giống như một đầu mũi tên chỉ thẳng vào cây liễu giữa hồ – biểu tượng của New Zealand. Ảnh được chụp bằng máy Sony A7 II, ống kính Sony FE 55mm f/1.8. 13s @ f8, ISO 100.

Hầu hết các dự báo thời tiết sẽ cho biết tỷ lệ che phủ tổng thể cũng như tỷ lệ mây thấp, trung bình và cao. Tỷ lệ tuyệt vời dành cho các đám mây tầng cao vào khoảng 70% và tỷ lệ các đám mây lơ lửng ở tầng giữa càng thấp càng tốt. Cuối cùng, bạn cần tính đến vị trí của các đám mây so với vị trí đặt máy của bạn và hướng của hoàng hôn.

Những đám mây dày ở tầng thấp sẽ trở thành trở ngại nếu chúng nằm ở hướng mặt trời lặn, nhưng sẽ không thành vấn đề nếu chúng ở phía sau bạn. Ngược lại, các đám mây trên tầng cao cần được đặt ở vị trí gần với mặt trời lặn, đảm bảo không có bất kỳ đám mây thấp hoặc trung bình nào cản sáng.

meo-chup-anh-phong-canh-3
Sony A7 Mark II, ống kính Sony 16-35mm f/2.8. 10s @ f9, ISO 100.

#3 Chú ý đường chân trời 

Điều rất quan trọng là phải đảm bảo rằng đường chân trời của bạn bằng phẳng. Có một vài cách giúp cho đường chân trời nằm ngay ngắn trong bức ảnh. Phương pháp ưa thích của tôi là sử dụng mức kỹ thuật số tích hợp sẵn của máy ảnh, đặc biệt hữu ích khi chụp trong các tình huống ánh sáng yếu vì nó được hiển thị trên màn hình LCD của máy ảnh.

meo-chup-anh-phong-canh-4
Ảnh chụp bằng Sony A7R Mark III, ống kính 16-35mm f/4. 5s @ f16, ISO 100.

Ngoài ra, hầu hết các đầu chân máy đều có một thước thủy (spirit level). Tuy nhiên, chúng thường khá nhỏ và có thể khó xem khi máy ảnh được gắn vào. Nếu trên tripod hoặc máy ảnh của bạn không có, bạn có thể mua một thước thủy riêng (thường dùng trong xây dựng) để gắn vào đế máy ảnh của bạn. Nếu phần đường chân trời bạn chụp không được hoàn hảo cho lắm, bạn cũng có thể tinh chỉnh trong quá trình xử lý hậu kỳ để đảm bảo nó thẳng tắp hoàn toàn.

#4 Tắt tính năng ổn định hình ảnh (IS)

Tính năng ổn định hình ảnh hoặc giảm rung cho phép các nhiếp ảnh gia chụp ảnh ở tốc độ màn trập thấp. Tuy nhiên, ổn định hình ảnh không phải là tính năng bạn nên sử dụng mọi lúc, đặc biệt là khi sử dụng chân máy.

Tính năng ổn định hình ảnh hoạt động bằng cách phát hiện rung máy và bù rung bằng cách điều chỉnh cảm biến hình ảnh hoặc các thành phần ống kính. Tuy nhiên, khi máy ảnh đã được ổn định bằng cách sử dụng chân máy chắc chắn, thì tính năng ổn định hình ảnh sẽ tạo ra tác dụng phụ không mong muốn.

meo-chup-anh-phong-canh-5
Sony A7 Mark II, ống kính 16-35mm f/4. 1/6s @ f11, ISO 100.

Tính năng ổn định hình ảnh có thể nhầm lẫn giữa những chuyển động của vật thể trong khung hình với việc rung máy và sẽ cố gắng sửa chữa điều này mặc dù máy ảnh không hề di chuyển. Những hiệu chỉnh này vô tình tạo ra hiện tượng nhòe chuyển động vì chúng không bị rung máy đối trọng.

Các phiên bản ổn định hình ảnh hiện đại hiện nay hoạt động tốt trong việc phát hiện khi máy ảnh được gắn vào chân máy, tuy nhiên để tránh tính năng này vô tình làm giảm độ sắc nét của hình ảnh, bạn nên tắt chế độ này theo cách thủ công.

#5 Tận dụng tối đa thị sai

Những người chưa đi sâu vào thế giới nhiếp ảnh toàn cảnh có thể sẽ không quen với thuật ngữ “thị sai” nhưng có thể bạn đã từng bắt gặp các hiệu ứng của nó ở đâu đó rồi. Thị sai là sự thay đổi vị trí biểu kiến của một điểm trên một nền quan sát, khi nó được quan sát từ hai vị trí khác nhau.

Trong nhiếp ảnh, điều này rất quan trọng và cần hiểu rõ vì khi bạn di chuyển máy ảnh của mình từ trái sang phải, các vật thể ở gần sẽ chuyển vị trí nhanh hơn so với những vật ở xa hơn. Nếu bạn đã từng di chuyển máy ảnh của mình để loại bỏ yếu tố gây mất tập trung gần đó, ví dụ: cột đèn, bạn đã sử dụng thị sai để làm lợi thế cho mình.

meo-chup-anh-phong-canh-6
Ảnh của Dylan Giannakopoulos

Trong ảnh trên, để loại bỏ một số chiếc xe buýt chở khách du lịch đến thăm Nhà thờ Good Shepherd ở Hồ Tekapo, New Zealand, tôi đã sử dụng bộ lọc 10 Stop ND để làm chậm tốc độ màn trập. Điều này làm mờ hầu hết khách du lịch trong hình ảnh. Để loại bỏ tiếp những vị khách còn lại ra khỏi tấm ảnh, tôi đã chụp một loạt các lần phơi sáng, cho phép đủ thời gian để mọi người di chuyển ra khỏi khung hình trước khi kết hợp số ảnh đó trong Photoshop bằng cách sử dụng chế độ Median stacking. Ảnh được chụp bằng máy ảnh Sony A7 II, ống kính Sony FE 70-200mm f/4 @ 132mm. 25 giây @ f10, ISO 100.

Hiện tượng thị sai này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác ngoài việc loại bỏ các yếu tố gây mất tập trung. Bằng cách di chuyển máy ảnh của bạn vài bước sang trái hoặc phải, bạn có thể thay đổi căn chỉnh bố cục trong bức ảnh cho các đối tượng ở tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh.

Khi bạn đến một địa điểm, đừng chỉ đặt máy ảnh ở nơi bạn đặt chân lên lần đầu tiên, hãy dành thời gian chụp vài ảnh mẫu để xem cảnh thay đổi như thế nào khi bạn di chuyển từ trái sang phải.

Giới thiệu về tác giả: Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Dylan Giannakopoulos là người chuyên chụp ảnh phong cảnh, động vật hoang dã, chân dung, đường phố, ký sự đám cưới và bất kỳ thứ gì truyền cảm hứng cho anh ấy. 

Theo australianphotography.com

Contributor
Bạn có thích bài viết của Thanh Ngoan không? Theo dõi trên mạng xã hội!

Chọn Chủ đề

NHIẾP ẢNH KIẾN TRÚC

THẺ TAG

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel