tim-hieu-den-flash
Tất tần tật về các loại đèn flash trong nhiếp ảnh

Trên thị trường có hàng trăm loại đèn flash khác nhau. Các thương hiệu đèn flash cạnh tranh để gây sự chú ý tới người dùng và cung cấp nhiều tính năng rất độc đáo, gây khó khăn cho bạn khi quyết định chọn đèn flash nào. Hơn nữa, mua một đèn flash đôi khi giống như mua cả một hệ thống chiếu sáng.

Nếu ai đó đã mua sản phẩm của Profoto – một hãng sản xuất đèn cho phòng chụp hàng đầu thế giới, có khả năng họ sẽ gắn bó lâu dài với nó. Đèn của Profoto không chỉ là một đèn flash, nó là một phần của hệ thống chiếu sáng.

Trong bài viết giới thiệu này, Vietpixel sẽ nói về một số đèn flash phổ biến và đi sâu vào phân tích ưu nhược điểm của chúng.

Có ba loại đèn flash chính trên thị trường: đèn chớp (đèn nháy cầm tay chạy bằng pin AKA), đèn monolight và đèn flash pack-and-head (đèn gắn rời). Chúng có thể chạy bằng pin hoặc bằng nguồn điện lưới, và tất nhiên, chúng đều có thể tuỳ chỉnh. Một số đèn dùng tốt ở ngoài trời, trong khi những đèn khác là “vua” khi dùng trong studio.

Đèn chớp

Đèn flash đầu tiên mà hầu hết các nhiếp ảnh gia đều sở hữu là đèn chớp. Đây là một lựa chọn hoàn hảo cho người mới bắt đầu: với kích thước nhỏ gọn và công suất ánh sáng lớn hơn đáng kể so với đèn flash tích hợp, đèn chớp sẽ giúp ảnh của bạn trở nên “chuyên nghiệp” hơn.

tim-hieu-den-flash-1
Đèn chớp sẽ giúp ảnh của bạn trở nên “chuyên nghiệp” hơn

Đèn chớp thường chạy bằng pin, nhỏ gọn, có thể mang đi mọi nơi. Do chạy bằng pin và có kích thước nhỏ, công suất ánh sáng của đèn chớp khá thấp khi so sánh với đèn flash studio. Đừng mong đợi có thể thắp sáng một khung cảnh rộng bằng một chiếc đèn chớp. Đèn chớp thường có công suất trung bình khoảng 70W, trong khi đèn chớp dùng trong studio có công suất hơn 500W.

Đèn chớp (và một số đèn chớp studio) có tính năng TTL – đo sáng qua ống kính (Through the lens). TTL cho phép cài đặt công suất ánh sáng tự động, giúp tiết kiệm thời gian trong một số trường hợp. Một tính năng khác là thu phóng – hầu hết tất cả các đèn chớp đều có đầu thu phóng. Điều này có thể hữu ích khi bạn đang sử dụng ống kính tele và cần bao phủ một khu vực nhỏ ở 180mm thay vì rộng ở 18mm.

Một tính năng tuyệt vời khác của đèn chớp là thời lượng flash cực ngắn có công suất thấp (chỉ bằng 1/4 hoặc ít hơn). Các nhiếp ảnh gia chụp ảnh tĩnh vật có thể ghép 4 hoặc thậm chí 6 đèn lại với nhau để có thể đóng băng chuyển động. Tuy nhiên đèn này cũng có một điểm trừ là không nhất quán về màu sắc khi chụp.

tim-hieu-den-flash-2
Đèn chớp có tính năng TTL

Do kích thước nhỏ và công suất thấp, nên đèn chớp thường không được sử dụng với các công cụ tạo hình ánh sáng. Đèn đi kèm với các phụ kiện như hộp đựng và bounce card (vật liệu phản xạ được gắn lên phía sau đèn flash để bắt ánh sáng, tạo ra hiệu ứng soft và bóng trên khuôn mặt chủ thể hoặc mẫu). Thông thường, các nhiếp ảnh gia sẽ chiếu đèn flash vào tường, trần nhà hoặc các bề mặt lớn khác để hiệu ứng ánh sáng được mềm hơn.

Ưu điểm

  • Kích thước nhỏ
  • Giá rẻ
  • Có chế độ TTL
  • Mạnh hơn rất nhiều so với đèn flash tích hợp

Nhược điểm

  • Đầu ra ánh sáng yếu
  • Ảnh chụp không chính xác về màu sắc
  • Ít hoặc không có tùy chọn bổ trợ
  • Thời gian “hồi chiêu” chậm

Đèn monolight

Có 2 loại đèn monolight: loại dùng pin và loại dùng điện.

Đèn monolight chạy bằng pin

Chúng có công suất lớn, từ 300 đến 500W, đủ để thay thế ánh sáng mặt trời. Dung lượng pin đủ cho 200-300 lần nháy. Loại đèn của Broncolor’s Siros 800 có công suất lên tới 800W. Vì chúng là loại đèn lớn với công suất cao nên sẽ cần có giá đỡ đèn riêng.

Thời gian hồi chiêu khi hết công suất của đèn monolight khá ngắn. Ví dụ, Godox AD600 sẽ hồi chiêu trong 0,9 giây và lại nạp đầy điện năng. Tính nhất quán của màu sắc cũng được cải thiện nhiều so với đèn chớp – ví dụ  như đèn Profoto B1x không làm thay đổi màu sắc quá nhiều trên toàn bộ phạm vi chụp.

tim-hieu-den-flash-3
Đèn monolight chạy bằng pin

Ưu điểm

  • Đèn có thể sử dụng cho video
  • Có thể cầm tay
  • Hàng trăm phụ kiện có sẵn
  • TTL được tích hợp trong hầu hết các loại đèn mới hiện nay
  • Có thể được sử dụng trên khoảng cách xa

Nhược điểm

  • Cần chân đế và điều khiển từ xa để làm việc
  • Chiếm nhiều không gian hơn trong túi đựng máy ảnh
  • Thời lượng pin ngắn
  • Thời gian hồi chiêu ở công suất cao có thể trên 1 giây.
  • Cần có pin dự phòng
  • Chân đế nặng

Đèn monolight chạy bằng nguồn điện

Đây là lựa chọn số 1 cho các nhiếp ảnh gia thường xuyên làm việc trong các studio. So với đèn chạy bằng pin, chúng sẽ có thời gian hồi chiêu nhanh hơn, thời lượng flash ngắn hơn và nhẹ hơn. Kích thước sẽ khá giống nhau – rất nhiều đèn monolight chạy bằng pin cũng có thể tháo pin và chạy bằng điện.

Một số đèn monolight chạy bằng điện có thể đạt đến công suất 1200W. Tuy nhiên khi đèn dùng nguồn điện lưới thì cũng có bất lợi nhất định: không có tính linh hoạt. Bạn không thể di chuyển đèn theo ý muốn một cách thường xuyên và liên tục.

tim-hieu-den-flash-5
Đèn monolight chạy bằng nguồn điện lưới

Ưu điểm

  • Thời gian hồi chiêu nhanh hơn so với monolight chạy bằng pin
  • Đèn có công suất lớn

Nhược điểm

  • Cần nguồn điện lưới để hoạt động
  • Chân đế nặng
  • Khó điều khiển

Đèn flash Pack-and-head (đèn gắn rời)

Một lựa chọn cổ điển của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Đèn có công suất đầu ra khoảng 1000W đến 4800W. Các bộ điều khiển trung tâm (Packs) là bộ phận đắt đỏ nhất, tuy nhiên, một lần nữa bạn lại có 2 lựa chọn: đèn dùng nguồn điện hoặc dùng pin. Đèn flash pack-and-head thuộc loại cồng kềnh nhất, nhưng kích thước lớn đi kèm với lợi ích lớn (tất nhiên là khi sự cồng kềnh không phải là vấn đề với ban).

Pack-and-head dùng pin

Hệ thống đèn flash Pack-and-head dùng pin là một trong những lựa chọn tiện lợi nhất nếu bạn muốn một nguồn điện ổn và đèn không quá nặng. Bộ điều khiển trung tâm (pack) của hãng Broncolor’s Move có thể cung cấp công suất lên đến 1200W là một trong số những lựa chon tốt bạn có thể tham khảo.

Bởi vì phần đèn (Head) nhẹ hơn so với chiếc đèn Speedlight nên không phải là vấn đề với người dùng khi giữ nó 1 thời gian dài. Hơn nữa so sánh với đèn Monolight tương ứng thì Pack-and-head có thời gian hồi chiêu nhanh hơn rất nhiều.

tim-hieu-den-flash-6
Pack-and-head dùng pin

Một hạn chế của hệ thống này là tầm hoạt động. Trong trường hợp bạn sử dụng nhiều đèn cho cùng một Pack, độ dài của dây điện có thể giới hạn tầm hoạt động của chúng. Khi này pin cũng có xu hướng nhanh hết hơn nhiều, nhưng nếu bạn chỉ dùng 1 nửa công suất (600W), bạn có thể thoải mái dùng thêm đèn Flash cùng với hệ thống Pack-and-head.

Một hạn chế nữa là việc thêm bóng đèn có thể rất tốn công suất. Ví dụ 1 Pack có công suất 1200W có 2 ổ cắm, nó sẽ chia công suất đó cho số lượng đèn được sử dụng. Với 1 bóng có thể nhận được tối đa công suất 1200W, nhưng thêm vào một bóng nữa và 1200W đó sẽ chia với tỉ lệ công suất mà bạn chọn. Tất nhiên công suất tối đa của mỗi đèn cũng giảm.

tim-hieu-den-flash-7
Đèn có công suất lên đến 1200W

Ưu điểm:

  • Pin trâu
  • Trọng lượng của đèn nhẹ.
  • Điều khiển dễ dàng
  • Thời gian hồi chiêu nhanh hơn so với hệ thống đèn Monolight
  • Hầu hết đều có thể vừa sạc pin vừa sử dụng.
  • Phù hợp với nhiều loại phụ kiện và tương thích với những phụ kiện lớn.

Nhược điểm:

  • Cồng kềnh và nặng
  • Giới hạn tầm hoạt động do chiều dài dây cắm điện
  • Đắt tiền
  • Pin lớn và mất nhiều thời gian để sạc
  • Giảm công suất khi cắm thêm đèn

Pack-and-head dùng nguồn điện

Mặc dù không thể khẳng định rằng loại đèn này là chuyên nghiệp nhất, nhưng nó là giải pháp về ánh sáng thông dụng nhất với những studio quy mô lớn. Đèn flash pack-and-head dùng nguồn điện cho thời gian hồi chiêu (recycle) đáng kinh ngạc, thời gian đánh flash ngắn nhất trên thị trường và màu sắc ảnh ổn định nhất. Một vài hãng đang tiến hành nghiên cứu phát triển đèn flash này khi chụp sẽ cho ánh sang giống nguyên mẫu nhất.

Hầu hết các đèn flash Pack-and-head cần 2 đến 3 ổ cắm điện. Điều này là cần thiết để đạt được tổng công suất khoảng 1200W đến 3200W, có thể phân phối công suất này cho nhiều đèn. Pack –and-head là sự lựa chọn tối ưu với độ bền siêu khủng. Nhiếp ảnh gia có thể mua đèn flash Pack-and-head từ hàng chục năm trước và dùng nó hàng ngày mà không gặp bất cứ vấn đề gì.

tim-hieu-den-flash-8
Công suất đèn có thể lên đến 3200W

Tuy nhiên, đèn flash pack-and-head có giá khá cao và cồng kềnh. Do giá thành cao, rất ít nhiếp ảnh gia có thể sở hữu 1 hệ thống Pack-and-head cho riêng mình, chúng thường được cho thuê. Nhiều người chụp chỉ cần một bộ là đủ. Nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi thường dùng 2 bộ đèn này trong một buổi chụp, thậm chí cần tới 4 bộ hoặc nhiều hơn tuỳ vào ý định của nhiếp ảnh gia.

Ưu điểm:

  • Độ bền rất cao.
  • Hoạt động ổn định
  • Thời gian hồi chiêu nhanh.
  • Dễ dàng điều khiển
  • Trọng lượng của đèn nhẹ
  • Thích hợp với nhiều phụ kiện
  • Công suất cao nhất trong tất cả các loại đèn flash.

Nhược điểm:

  • Cồng kềnh và nặng
  • Giới hạn tầm hoạt động do chiều dài dây điện
  • Giá thành cao
  • Giảm công suất khi nối thêm đèn

Và trên đây là tất cả thông tin về các loại đèn flash công suất trải dài từ 70W đến 4800W dành cho bạn. Mong rằng sau bài viết này bạn đã có thêm kiến thức về đèn flash.

Theo Petapixel

Contributor
Bạn có thích bài viết của Thanh Ngoan không? Theo dõi trên mạng xã hội!

Chọn Chủ đề

NHIẾP ẢNH KIẾN TRÚC

THẺ TAG

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel