nhiếp ảnh gia Dmitry Tkachenko và tác phẩm time lapse
Nhiếp ảnh gia Dmitry Tkachenko và tác phẩm time lapse

Giới thiệu

Dmitry Tkachenko là một nhiếp ảnh gia sinh sống tại Olso, Na Uy. Tôi vô tình bắt gặp những video tua nhanh thời gian (time-lapse) vô cùng tuyệt vời của anh trên Instagram và điều đó đã thôi thúc tôi thực hiện cuộc phỏng vấn về quá trình Dmitry thực hiện những video này.

Những chia sẻ và một số tác phẩm của Dmitry

Kyrre: Chào Dmitry! Cảm ơn anh vì đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Anh có thể chia sẻ cho chúng tôi biết đôi nét về anh và anh đã bắt đầu với nghề nhiếp ảnh như thế nào không? Và anh đã trải qua những gì để đi đến vị trí hiện tại?

Dmitry: Xin chào! Cảm ơn bạn vì đã mời tôi đến cuộc phỏng vấn này. Tôi thật sự rất vui vì bạn có hứng thú với những tác phẩm và công việc của tôi. Tôi 32 tuổi, sinh ra tại Tallinn, thủ đô của Estonia. Tôi đến với nghề nhiếp ảnh vào khoảng 8 năm trước ngay sau khi tôi chuyển đến Na Uy. Sự lộng lẫy của thành phố này khiến tôi choáng ngợp và đã thôi thúc tôi bước vào con đường nhiếp ảnh để chia sẻ vẻ đẹp này với mọi người. Thời gian qua đi, tôi bắt đầu kiếm được tiền từ những bức ảnh tôi đã chụp và khá nhanh sau đó sở thích này trở thành công việc chính.

ảnh chụp time lapse thư viện Deichman tại Olso bởi Dmitry Tkachenko
Thư viện Deichman tại Oslo. Chụp bởi Dmitry Tkachenko.
ảnh chụp time lapse thư viện Deichman, Olso bởi Dmitry Tkachenko
Thư viện Deichman tại Oslo. Chụp bởi Dmitry Tkachenko.

Kyrre: Anh thật sự là một bậc thầy trong lĩnh vực time-lapse. Tôi trở nên sững sờ khi xem những video time-lapse anh thực hiện về thư viện công cộng tại Olso, Deichman. Anh đã thực hiện video đó như thế nào vậy?

Dmitry: Chân thành cảm ơn bạn! Thực ra tôi luôn thưởng thức khi nhìn cảnh ngày chuyển dần sang đêm. Chắc chắn rằng có ẩn đằng sau đó là những điều nhiệm mầu. Hơn nữa ngay tại khoảnh khắc đó, gần như tất cả mọi thứ đều trở nên rất ăn ảnh bởi hiệu quả của vẻ đẹp ánh sáng. Kiến trúc của thư viện Oslo trông rất lãnh đạm vào ban ngày, nhưng khi hoàng hôn buông xuống và những tia sáng len lỏi vào bên trong, cả không gian trở nên duyên dáng đến lạ. Đó là lý do tại sao tôi muốn cho mọi người thấy được tòa thư viện vào cả ban ngày và xế chiều trong cùng một lúc. Nhằm nêu bật lên kết cấu hình chữ nhật thẳng đứng của phần mặt tiền được làm từ kính, tôi đã sử dụng hiệu ứng cắt lát.

Video time-lapse thư viện Deichman tại Oslo thực hiện bởi Dmitry Tkachenko

Kyrre: Cách đây không lâu anh đã đăng tải một video time-lapse về Ålesund Na Uy, anh có thể chia sẻ cho chúng tôi biết anh đã dựng video như thế nào, các thiết bị anh đã sử dụng và một chút về thiết lập các thông số không?

Dmitry: Sau khi dạo một vòng quanh Ålesund và leo lên đến đài quan sát của thành phố vào buổi chiều, ngay lập tức tôi biết mình chắc chắn sẽ quay lại đây vào xế chiều để ghi lại khoảnh khắc thành phố chuyển mình từ ngày sang đêm. May mắn rằng vào chiều hôm ấy thời tiết rất đẹp và tất cả những gì tôi cần phải làm chỉ là set up camera và chiêm ngưỡng khung cảnh lộng lẫy đó trong vòng ba tiếng. Tôi đã chụp 900 bức ảnh với khoảng cách 12 giây. Trong quá trình đó tôi đã chậm rãi điều chỉnh độ phơi sang. Các thiết bị tôi sử dụng là Nikon D810 cùng với Nikkor 19mm tilt-shift và Syrp Genie Mini để lia máy.

Video time-lapse Ålesund thực hiện bởi Dmitry Tkachenko

Kyrre: Theo anh, tiềm năng thị trường của time-lapse như thế nào? Anh có thể chia sẻ thêm cho độc giả về khía cạnh thương mại của công việc này hay không? Khách hàng sẽ liên hệ với anh hay anh tự tìm kiếm khách hàng?

Dmitry: Time-lapse thật sự là một công cụ tuyệt vời đối với một nhiếp ảnh gia. Nếu bạn sử dụng nó một cách khéo léo, bạn có thể đạt được lợi ích về tiền bạc đáng kể qua nhiều lĩnh vực. Ví dụ như kiến trúc và xây dựng, du lịch, nội – ngoại thất hay cảnh quay nền chẳng hạn. Đối với cá nhân tôi, đây (time-lapse) không phải là dịch vụ nổi trội mà tôi cung cấp cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, một cách khá thường xuyên, điều này trở thành một phần tặng kèm cùng những bức ảnh thông thường. Đôi khi khách hàng sẽ chủ động tìm đến tôi đặc biệt vì video time-lapse. Thông thường khách hàng sẽ liên hệ tôi, hoặc đôi khi tôi đề cử dịch vụ của mình với những người tôi muốn cùng hợp tác.

Video time-lapse Dubai thực hiện bởi Dmitry Tkachenko vào 2020

Kyrre: Anh có thể chia sẻ về quá trình anh set up một video time-lapse không?

Dmitry: Tôi nghĩ điểm mấu chốt ở đây chính là bạn phải chú ý, hiểu rõ và dự đoán được những thay đổi có thể sẽ diễn ra xung quanh. Tôi thường xuyên dành ra một khoảng thời gian khá dài chỉ để quan sát vật thể mà tôi chuẩn bị chụp. Đây đại khái là kế hoạch làm thế nào để chụp một cách tốt nhất.

Đồng thời chính là “tầm nhìn nhiếp ảnh”, yếu tố được trau dồi qua nhiều năm trong môi trường chuyên nghiệp (với tư cách là một nhiếp ảnh gia) cũng góp công đáng kể.

Video time-lapse Oslo Opera House thực hiện bởi Dmitry Tkachenko

Kyree: Đâu là những điều nên và không nên anh muốn chia sẻ đến những nhiếp ảnh gia muốn thử sức với nghệ thuật time-lapse?

Dmitry:

Nên:

  • Xem những tác phẩm của người khác, tự phát triển khiếu thẩm mỹ cá nhân và nắm rõ về time-lapse.
  • Có một kế hoạch shoot chỉn chu và đi đến điểm shoot sớm.
  • Kiểm tra kỹ các thiết bị và các thông số.
  • Kiên nhẫn và chuẩn bị tâm thế chỉ nhìn một quang cảnh / bức ảnh qua nhiều giờ.
  • Chuẩn bị đón nhận tất cả những thứ có thể phá hỏng cả time-lapse, một cơn mưa bất chợt, đàn chim bay ngang qua hay xe bus du lịch.

Không nên:

  • Không nên quay time-lapse nếu bạn gấp rút về thời gian.
  • Đừng quay time-lapse nếu quang cảnh không có gì thay đổi.
  • Đừng dừng chụp nếu bạn có lỡ sai sót, quá trình xử lý hậu kỳ có thể sửa chữa được rất nhiều.
  • Đừng tra tấn những người không có hứng thú với time-lapse kể cả chính bản thân bạn.
ảnh chụp văn phòng Equinor Oslo bởi Dmitry Tkachenko
Văn phòng Equinor Oslo. Chụp bởi Dmitry Tkachenko

Kyrre: Nếu độc giả của chúng tôi muốn biết thêm về kỹ thuật, bạn có những mẹo nào hay không?

Dmitry: Tôi nghĩ kỹ năng quan trọng nhất cùng với “tầm nhìn nhiếp ảnh” chính là biết cách thiết lập chính xác khoảng thời gian giữa các khung hình và tốc độ màn trập. Yếu tố này sẽ quyết định nhịp độ và sự trơn tru của video time-lapse. Một điều quan trọng khác là phải đảm bảo không gì có thể làm lay chuyển camera dựng thẳng (trừ kỹ thuật hyperlapse) và không một ai có thể lọt vào khung hình.

Xử lý hậu kỳ (Post processing) đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong time-lapse. Sự ổn định của hình ảnh, khử răng cưa và làm sạch có thể cải thiện thành phẩm cuối cùng một cách đáng kể.

Kyrre: Loại thiết bị nào là cần thiết để hoàn thành công việc?

Dmitry: Máy tính, tripod, hầu như tất cả camera và lens – Đó là toàn bộ danh sach những gì bạn cần để bắt đầu quay một video time-lapse. Bạn có thể đạt được một thành quả xuất sắc kể cả khi sử dụng điện thoại hiện đại. Sau đó bạn có thể sử dụng thêm một số thiết bị cơ giới để tua nhanh time-lapse.

ảnh chụp trung tâm biểu diễn nghệ thuật Kilden tại Kristiansand bởi Dmitry Tkachenko
Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Kilden tại Kristiansand. Chụp bởi Dmitry Tkachenko

Q&A

Và cuối cùng, những câu hỏi ngắn nhàm chán (hay thú vị nhỉ?):

Q: Máy ảnh sử dụng?

A: Nikon D810 / Panasonic GH5

Q: Ống kính yêu thích?

A: Nikon 19 Tilt-Shift và Nikon 35m f1,4

Q: Công trình yêu thích?

A: Bảo tàng Abu Dhabi louvre

Q: Thích hay ghét Instagram?

A: Cả hai!

Q: Nhiếp ảnh gia yêu thích?

A: Ezra Stoller

Q: Nhiếp ảnh gia time lapse yêu thích?

A: Keith Loutit / Morten Rustad

Q: Phong cách bắt nguồn cảm hứng từ đâu?

A: Phim và sách

Q: Kiến trúc sư yêu thích nhất?

A: Norman Foster

Q: Đối tác mơ ước?

A: SpaceX và việc lắp ráp, phóng tên lửa của họ

Nguồn: https://apalmanac.com/

Contributor

Chọn Chủ đề

NHIẾP ẢNH KIẾN TRÚC

THẺ TAG

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel