Lý do đến với không ảnh (nhiếp ảnh trên không) của Bernard Chen
Bernard Chen – một nhiếp ảnh gia đam mê thể loại nhiếp ảnh trên không nghĩ rằng vẻ đẹp của không trung chưa được phô bày trọn vẹn khi chụp bằng flycam nên vì thế, anh đã học cách bay dù lượn để có thể bay băng qua West Virginia và chụp lại không gian tuyệt đẹp này theo một phương thức hoàn toàn mới lạ.
Chen trưởng thành trên một trang trại tại Northern Virginia và phát triển một sợi dây kết nối đặc biệt với thiên nhiên vạn vật. Là một nhà thám hiểm mang tâm hồn khám phá, Chen nhìn nhận những tác phẩm của mình như được sinh ra từ sự hài hòa giữa niềm đam mê những hình ảnh trực quan cùng sự tò mò về thế giới tự nhiên.
“Những bức ảnh của tôi để tôi được tự do khám phá và gặp gỡ thế giới chung quanh,” Chen chia sẻ cùng PetaPixel. ‘Tôi cảm thấy toàn bộ con tim mình gắn kết cùng thế giới tự nhiên là vào những khoảnh khắc khi tôi chờ đợi chúng bộc bạch một điều gì đó cùng tôi – ví như chờ một đám mây băng ngang qua, sắc trời chuyển màu hay là một làn gió nhẹ uốn lượn lên cao rồi thả xuống. Tôi tin rằng những phát kiến, những điều tuyệt vời và sức mạnh vô hạn mà tự nhiên mang lại sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng.”
Câu chuyện của Chen cũng tương tự những nhiếp ảnh gia cùng chung cảm nhận với bầu trời, như George Steinmetz – nhiếp ảnh gia đã lái dù lượn băng qua cả châu Phi hay Alexandre Buisee với cách thức tương tự qua Pháp và Ý.
Bước ngoặt
Chính niềm đam mê sâu sắc với những cảnh quan tuyệt diệu đã dẫn dắt Chen đến chiếc flycam đầu tiên vào năm 2013, trước cả khi flycam trở nên phổ biến. Tuy việc này đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho sự nghiệp nhiếp ảnh của Chen, nhưng nó vẫn không tạo ra bước ngoặt lớn so với khi anh bắt đầu thân thiết cùng những con người ưa mạo hiểm – nhà leo núi đá, những người nhảy dù từ trực thăng hay vách núi và những người mê mải các hoạt động kích thích adrenaline.
Chen chia sẻ: “Tôi phải nói rằng nếu bạn muốn cải thiện khả năng nhiếp ảnh của mình, hãy kết bạn cùng những con người năng động như thế này và họ sẽ cho bạn thấy một thế giới mà bạn chưa bao giờ dám nghĩ rằng nó có thể tồn tại. Hầu hết các nhiếp ảnh gia phong cảnh sẽ thích chụp từ trên đỉnh núi hoặc sâu dưới lòng hang động, và nhóm các nhà mạo hiểm lanh lợi đó sẽ biết cách làm thế nào để đưa bạn vào đúng vị trí cho bức ảnh.”
Khúc dạo đầu dẫn đến thế giới phiêu lưu đầy năng động này đã thôi thúc Chen xách ba lô lên và chu du đến Seneca Rocks, đi xuống một hang động ở Alabama, nhảy dù từ máy bay và leo lên những gốc cây gỗ đỏ khổng lồ ở California. Tất cả những điều lạ lẫm với anh tại thời điểm đó, đã trang bị cho Chen những hành trang cần thiết để trong tương lai, anh sẽ bay qua một vị trí vô cùng thân thuộc – Dolly Sods, Khu Hoang dã ở dãy núi Allegheny tọa lạc tại phía đông West Virginia.
Những vấp ngã đầu tiên
“Tôi cứ nghĩ nhảy dù sẽ là một cơ hội tốt để tôi ghi chụp lại không trung. Nhưng hóa ra đó chỉ là chiếc vé không khứ hồi đi xuống mặt đất và đây hoàn toàn không phải là điều mà tôi mong muốn.” Chen chia sẻ. “Tôi bắt đầu chú ý đến môn thể thao này vì trông có vẻ rất phấn khởi, và đây là bộ môn mà tôi có thể nhìn thấy chính mình bay lượn với một chiếc máy ảnh.”
Quá trình cơ bản để trở thành một chiếc “flycam hình người” đã tiêu tốn 10 tháng luyện tập tại Almost Heaven Power Paragliding, West Virginia với hơn 130 giờ bay. Tuy rằng rất nhiệt huyết nhưng mọi chuyện thật không hề dễ dàng – 7 lần bay thử đầu tiên của Chen đều thất bại.
Màn trình diễn hoàn hảo
Sau khi dành thời gian để suy nghĩ điều gì đã cản trở bản thân khỏi thành công, Chen đã sẵn sàng trở lại và cho ra một màn trình diễn hoàn hảo.
“Tôi không hề muốn dừng lại, bay lượn quả thực vô cùng phấn chấn!” Chen nói thêm. “Tôi từ một cơ thể run rẩy cho đến trạng thái hạnh phúc tuyệt vời chỉ trong chớp mắt. Đó là một cảm giác đáng kinh ngạc khi đạt được thành công.”
Dần dà thoải mái hơn trong quá trình luyện tập, Chen bắt đầu thử nghiệm với GoPro. Và khi anh sử dụng thiết bị đó một cách nhuần nhuyễn trong chuyến bay, anh lắp đặt thêm nhiều máy ảnh vào động cơ của mình, cuối cùng buộc chặt chiếc Sony A7R IV và lens Sony 24-105mm vào ngực.
“Bay lượn cùng camera cuối cùng cũng hòa hợp, nhưng học cách chụp ảnh trong khi bay trên không trung chắc chắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Không giống như flycam, tôi luôn luôn chuyển động; nếu muốn điều chỉnh bất kỳ thông số nào, tôi phải hoàn thành bằng một tay. Bay tầm thấp giúp bạn khám phá được sự sáng tạo tuyệt vời nhất nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều nguy hiểm nhất. Khi tôi đặt tất cả lại với nhau, tôi có thể bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến bay đi đến những địa điểm đáng kinh ngạc và Dolly Sods chiếm lĩnh vị trí đầu tiên trong danh sách cách chuyến bay trong mơ của tôi.”
Một số người có thể thắc mắc tại sao Chen phải nỗ lực hết mình để chụp những bức ảnh trên không trung mà không thực hiện theo một cách đơn giản hơn là sử dụng flycam, nhưng câu trả lời của anh nằm ở những điều gần gũi với các nhiếp ảnh gia. Tại Hoa Kỳ, flycam bị giới hạn ở độ cao tối đa là 400 feet, trong khi quá trình bay lượn có thể đưa Chen đến độ cao 18,000 feet.
Khả năng ở trên không trung từ hai đến ba giờ cũng mở ra nhiều cơ hội để ghi lại những bức ảnh thú vị và lộng lẫy như tranh, đồng thời tận dụng tối đa chức năng của paramotor mà không cần đường băng để cất cánh.
Sau khi đã hoàn thiện giấc mơ bay qua Dolly Sods, Chen đang mong chờ một chuyến bay đến Iceland vào năm 2022 và đồng thời bày tỏ niềm khát khao được thăm thú các cung đường trên khắp Tây Nam Mỹ và Alaska.
“Tôi có thể tưởng tượng bản thân gắn trên mình ba chiếc camera quay lại những góc độ khác nhau trong quá trình bay. Đây là một sự thử nghiệm để tìm xem cách nào sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất, nhưng tôi rất thích thử thách này; nó là điều giữ cho tôi niềm đam mê khám phá hành tinh xinh đẹp của chúng ta.”
Bạn có thể xem thêm các tác phẩm nhiếp ảnh trên không khác của Chen trên website và Vimeo.
Nguồn: petapixel.com