Thập kỷ qua đã thay đổi những thành phố mà chúng ta đang sống từ Chicago đến Jakarta, từ Thâm Quyến đến Nairobi. Chỉ tính riêng trong năm 2017, hoạt động xây dựng các tòa nhà chọc trời trên toàn cầu đã đạt mức cao lịch sử, với 144 tòa nhà cao từ 660 feet trở lên, tăng gấp đôi số lượng được xây dựng vào năm 2012. Có 69 thành phố trên 23 quốc gia đã hoàn thành ít nhất một tòa nhà chọc trời, với 15 trong số 144 tòa nhà đó được coi là “siêu cao” – chạm mốc 980 feet.

7-meo-chup-skyscraper
Ảnh của Ash Camas

Việt Nam mới đây cũng đã thành công xây dựng Landmark 81 – tòa nhà cao nhất Việt Nam và cũng là 1 trong 10 tòa nhà cao nhất trên thế giới. Trong khi số lượng tòa nhà chọc trời được hoàn thành vào năm 2020 giảm đáng kể, một phần là do đại dịch, người dân toàn cầu vẫn thấy sự góp mặt của 106 tòa nhà chọc trời mới, với 21 tòa nhà được coi là “siêu cao”. Thành phố Mumbai đã hoàn thành tòa nhà cao nhất của mình và thành phố Monterrey cũng vậy.

Trong hơn một thế kỷ, các nhiếp ảnh gia đã miệt mài chụp những bức ảnh nói lên những thay đổi về cuộc sống. Nhưng trong 10 năm qua, khi đô thị hóa theo chiều dọc bùng nổ, họ phải đối mặt với những cơ hội mới và thách thức mới. Trong bài viết dưới đây, Vietpixel sẽ chia sẻ 7 mẹo để chụp các tòa nhà cao tầng trong thành phố một cách ảo diệu nhất.

7-meo-chup-skyscraper-1
Bức ảnh Pixeltowns của Peter Stewart

#1. Hiểu rõ chủ thể cần chụp

Nghiên cứu tòa nhà bạn muốn chụp sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về các chi tiết quan trọng nhất cần đưa vào và đồng thời cũng cho bạn thêm nhiều ý tưởng. Ví dụ: nếu bạn đang chụp Tòa nhà Chrysler ở New York, bạn có thể biết rằng những chiếc gargoyles nổi tiếng được lấy cảm hứng từ thiết kế các bộ phận xe hơi.

Mặt khác, nếu bạn đang chụp ảnh Tòa nhà Bitexco Financial Tower ở Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể tạo ra một bố cục thể hiện hình ảnh duyên dáng, thanh thoát của búp hoa sen – thứ được lấy cảm hứng khi xây dựng tòa nhà này.

Tất nhiên, bạn cũng có thể nghiên cứu các bức ảnh nổi bật về tòa nhà đã được chụp trước đó và tìm cách thay đổi góc chụp làm cho nó nổi bật và độc đáo hơn. Bằng cách đó, bạn có thể tận dụng những ý tưởng đã có sẵn. Nếu có một bức ảnh nào đó gây ấn tượng mạnh với bạn thì bạn nên tìm hiểu vị trí góc chụp cũng như nghiên cứu cách tiếp cận làm sao để ra được bức ảnh đó.

7-meo-chup-skyscraper-2
Bức ảnh Vertical Horizon #97 của Romain JACQUET-LAGREZE

#2. Đối xứng

Thông thường, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường tránh đặt đối tượng ở trọng tâm, thay vào đó họ chọn cách tuân theo quy tắc 1/3 hoặc tỷ lệ vàng, nhưng một số tòa nhà cao tầng lại được thiết kế đối xứng hoàn hảo một cách tự nhiên. Bạn có thể tìm thấy ví dụ về những loại tòa nhà này trong nhiều bức ảnh nổi tiếng của Romain Jacquet-Lagreze về Hồng Kông.

7-meo-chup-skyscraper-3
Bức ảnh Vertical Horizon #95 của Romain JACQUET-LAGREZE

Trong những trường hợp như thế này, hãy đặt chủ thể của bạn vào trung tâm. Hai loại đối xứng phổ biến mà bạn sẽ thấy trong kiểu nhiếp ảnh kiến trúc này là:

  • Đối xứng dọc, trong đó các cạnh bên trái và bên phải phản chiếu nhau.
  • Đối xứng xuyên tâm, tạo ra hiệu ứng gợn sóng, thường được tìm thấy khi nhìn lên hoặc xuống qua cầu thang.

Để có hiệu ứng đối xứng, hãy dành chút thời gian để căn giữa cho bức ảnh (bạn có thể đếm số cửa sổ ở hai bên để đảm bảo rằng bạn đang đứng ở giữa). Bạn cũng có thể kích hoạt đường lưới của máy ảnh để có độ chính xác cao. Cuối cùng, sử dụng thước thủy và giá đỡ máy ảnh ba chân để có một tấm hình hoàn hảo.

7-meo-chup-skyscraper-4
Bức ảnh Balconies của Tristan Zhou

#3. Cẩn thận với biến dạng phối cảnh

Một số nhiếp ảnh gia kiến trúc sử dụng ống kính tilt-shift khi chụp cận cảnh các tòa nhà cao tầng và đây là cách tốt nhất để ngăn chặn sự biến dạng phối cảnh – tức là hiệu ứng “nghiêng” mà bạn nhận được khi nghiêng máy ảnh của mình lên để chụp một tòa nhà chọc trời. Loại ống kính này là một phương án cứu cánh nếu bạn cần những đường thẳng dọc chạy xuyên bố cục ảnh của mình.

Như đã nói, ống kính tilt-shift là ống kính đặc biệt và chúng khá đắt tiền. Nếu bạn không có ống kính tilt-shift cũng không sao. Bạn hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện việc chụp các tòa nhà chọc trời với những gì bạn có, đặc biệt nếu bạn là người sáng tạo trong bố cục và phối cảnh. Bạn cũng có thể sửa biến dạng phối cảnh trong quá trình hậu kỳ. Mặc dù phương án này có thể không được hoàn hảo bằng việc sử dụng một ống kính tilt-shift, nhưng nó sẽ khá hữu ích trong nhiều trường hợp.

7-meo-chup-skyscraper-5
Bức ảnh Skyscraper của Lorenzo Linthout

#4. Sử dụng bộ lọc phân cực

Hiện tượng lóa (glare) và phản chiếu (reflections) có thể là vấn đề lớn khi chụp ngoại cảnh trong điều kiện ánh sáng ban ngày, nhưng một bộ lọc phân cực có thể giúp bạn đối phó với sự phản chiếu của kính và cửa sổ. Hãy nhớ rằng các bộ lọc này sẽ ảnh hưởng đến các phần khác nhau của ảnh: bầu trời sẽ tối hơn và độ tương phản cũng tăng lên, nhưng bạn sẽ nhận được các chi tiết và kết cấu tốt hơn. Chúng cũng có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn phải đối mặt với ánh nắng chói chang của những buổi trưa hè.

7-meo-chup-skyscraper-6
Bức ảnh Chasing light in HK của Vitaly Tyuk

#5. Lưu ý yếu tố ánh sáng

Thời gian chụp ảnh trong ngày là một yếu tố vô cùng quan trọng nói lên lý do tại sao chúng ta cần nghiên cứu và lập kế hoạch. Trước khi chụp, bạn có thể theo dõi vị trí của mặt trời bằng ứng dụng như The Photographer’s Ephemeris hoặc Photo Pills. 

Các tòa nhà khác nhau sẽ đẹp nhất vào những thời điểm khác nhau, vì vậy hãy đoán trước cách mặt trời chiếu vào tòa nhà trong từng giai đoạn. Bước này đặc biệt quan trọng khi chụp các tòa nhà chọc trời vì chúng thường bị bao quanh bởi các tòa nhà khác. Hãy kiểm tra vị trí của bạn trên Google Maps và nghiên cứu bóng đổ ở các thời điểm trong ngày, ví dụ như giữa trưa bóng sẽ đổ về đâu? Vào buổi tối thì như thế nào?

7-meo-chup-skyscraper-7
Bức ảnh Rooftops của WK Cheoh

Thời điểm vàng khi chụp ảnh các tòa nhà là khoảng thời gian xung quanh bình minh hoặc hoàng hôn. Đây là lúc cho ánh sáng tối ưu nhất, mềm mại và đồng đều nhất, trong khi ánh sáng ban ngày sẽ tạo ra độ tương phản mạnh. 

Ngoài ra, một số tòa nhà có thể trông sống động hơn khi trời tối. Ví dụ: khi dự định chụp ảnh Tháp Ngân hàng Trung Hoa – Bank of China Tower ở Hồng Kông, bạn có thể lên lịch chuyến thăm của mình trùng với buổi biểu diễn ánh sáng Symphony of Light, thường bắt đầu lúc 8 giờ tối. Còn khi đến thăm tháp Torre Agbar ở Barcelona thì sao? Bạn có thể cân nhắc lên kế hoạch chụp tòa nhà này lúc 4.500 chiếc đèn được bật lên khi trời chuyển tối.

Sương mù là một trường hợp khác cần xem xét nếu bạn muốn có được những bức ảnh toà nhà chọc trời mờ ảo giống như những bức ảnh do Zohaib Anjum tạo ra, trông có vẻ như tòa nhà đang trồi lên từ một đám mây. Để có được những bức ảnh này, nhiếp ảnh gia Anjum đã theo dõi dự báo thời tiết, leo lên sân thượng và trực ở ngoài trời cả đêm cho đến tận lúc mặt trời mọc.

7-meo-chup-skyscraper-8
Bức ảnh “Unforgettable Moments” của Zohaib Anjum

#6. Di chuyển linh hoạt

Điểm chụp đầu tiên mà bạn tìm thấy một cách thuận lợi có thể không phải là một điểm chụp tốt nhất, vì vậy hãy khám phá tất cả các điểm chụp mà bạn có thể tìm ra. Đứng trên ban công khách sạn bên kia đường hay trèo lên một tầng thượng nào đó có thể là những ý tưởng hay.

Ở Dubai, nhiếp ảnh gia Zohaib Anjum đã leo lên các tòa nhà cao tới 264 mét để tìm kiếm một vị trí thuận lợi và hoàn hảo nhất. Anh ấy làm việc cho một công ty bất động sản, vì vậy anh ấy có quyền ra vào một số tòa nhà. Nếu bạn không có ưu đãi đó thì bạn nên khảo sát xung quanh thành phố để xem mình có thể chụp ở đâu.

7-meo-chup-skyscraper-9
Bức ảnh Skycage II của Peter Stewart

Như đã nói, bạn có thể chụp một bức ảnh tòa nhà chọc trời từ bất cứ đâu. Nếu bạn đang đứng ở mặt đất, hãy cân nhắc chụp theo phong cách trừu tượng “look-up” (nhìn lên) để có thể kết hợp các đường nét của tòa nhà với bầu trời tuyệt đẹp. Người thành công trong lĩnh vực này có thể kể đến Peter Stewart – người nổi tiếng với những bức ảnh chụp từ mặt đất phóng thẳng lên bầu trời như trong bức ảnh trên.

#7. Thêm yếu tố con người vào hình ảnh

Ngày nay, các tòa nhà chọc trời cao nhất trên thế giới có thể lên tới 1500 – 2000 feet, và bất kỳ tòa nhà cao tầng nào cũng có thể trông “khổng lồ” khi bạn đưa hình ảnh con người vào tỷ lệ. Hình ảnh một người đi bộ qua đường cũng có thể giúp tăng thêm sự sinh động cho các bức ảnh chụp kiến trúc toà nhà, vì vậy hãy kiên nhẫn và chờ đợi một người phù hợp đi vào khung hình của bạn. Ngay cả một cái bóng người cũng có thể làm cho bức ảnh trông khác biệt hơn rất nhiều. 

7-meo-chup-skyscraper-11
Bức ảnh Un pas à la fois

Nhiếp ảnh gia kiến trúc nổi tiếng Lucien Hervé – người đã cộng tác với Le Corbusier là một bậc thầy của kỹ thuật này. Ông chỉ cần sử dụng một bóng người vô danh là đã có thể mang lại sức sống cho các tòa nhà và làm cho bức ảnh trở nên ấn tượng và đặc sắc.

Trên đây là 7 mẹo nhỏ giúp bạn chụp được những bức ảnh toà nhà chọc trời một cách ảo diệu và đẹp mắt nhất. Chúc các bạn áp dụng thành công!

Theo iso.500px.com

Contributor
Bạn có thích bài viết của Thanh Ngoan không? Theo dõi trên mạng xã hội!

Chọn Chủ đề

NHIẾP ẢNH KIẾN TRÚC

THẺ TAG

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel