Đôi nét về David Doubilet – Nhà tiên phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh dưới nước
David Doubilet, được biết đến như nhà tiên phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh dưới nước, đã phát hành một cuốn sách ảnh tập hợp những tác phẩm trong xuyên suốt hàng thập kỷ làm nghề, phô bày sự cộng sinh của thế giới dưới nước đầy bí ẩn và bề mặt quen thuộc ở bên trên chỉ qua một bức ảnh đơn.
Doubilet được ca ngợi là một trong những nhiếp ảnh gia dưới nước hàng đầu trên thế giới và là người đóng góp quen thuộc cho National Geographic hàng thập kỷ. Vừa qua, Doubilet đã ra mắt cuốn sách ảnh mang tên “Hai thế giới: Bên trên và dưới lòng biển” (Two Worlds: Above and Below the Sea), chứa đựng những tài liệu về đại dương qua một quãng thời gian thật dài và thế giới dưới nước bao la vẫn chưa được khai phá.
Mối lương duyên với nghề
Doubilet phát hiện ra niềm đam mê với các hoạt động khám phá ngoài trời khi anh tham gia một trại hè ngày còn bé, anh nhận một chiếc mặt nạ và được gửi đến bến tàu để nhặt nhạnh que củi, sau đó anh chịu “hình phạt là đối mặt cùng con nhện bè khổng lồ đáng sợ” vì đã không trốn đi. Kể từ khoảnh khắc ấy, anh đã bị mê hoặc bởi cuộc sống dưới nước. Ở tuổi 12, cha anh đã tái chế túi thuốc gây mê để tạo thành một chiếc vỏ máy ảnh dưới nước cho camera Brownie Hawkeye của Doubilet, đây như một bước đệm cho những điều đang chờ đợi anh trên con đường sự nghiệp phía trước.
Doubilet xuất bản câu chuyện đầu tiên của mình vào những năm tháng tuổi thành niên và bắt đầu cộng tác cùng National Geographic vào năm 1971. 5 thập kỷ cùng 75 câu chuyện trôi qua, anh vẫn cảm tưởng mỗi lần ngụp lặn là một cuộc hành trình khám phá.
Doulibet chia sẻ: “Tôi vẫn đi tìm những hình ảnh nửa – nửa khó nắm bắt và tiếp tục thôi thúc ranh giới nhiếp ảnh của mình để xem chúng ta có thể tạo nên những tiến bộ công nghệ tại đâu.”
Khởi nguồn ý tưởng của sách ảnh “Hai thế giới: Bên trên và dưới lòng biển”
Ý tưởng của dự án Hai thế giới nảy sinh từ rất sớm; Doubilet đã luôn bị cuốn hút bởi mặt biển “như một cánh cửa dẫn đến thế giới ẩn khuất”, anh chia sẻ cùng PetaPixel.
“Tua nhanh đến những chuyến công tác đi đến các góc hẻo lánh trên thế giới, tôi bắt đầu trở nên chậm rãi và quan sát khi đi thấp dần xuống. Tôi nhìn thấy những rặng san hô dốc ngược lên bề mặt để giao lưu cùng những cánh rừng nhiệt đới nối tiếp nhau đến phần rìa. Tôi bắt đầu nán lại tại ranh giới giữa bề mặt và lòng biển, sau đó nhận ra rằng đây chính là phần biên giới lớn quan trọng nhất của chúng ta trên hành tinh này.”
Cũng chính nơi đây là điểm khởi nguồn của những bức ảnh thử nghiệm nửa – nửa chỉ trong một khung hình. Đối với Doubilet, đây là một câu chuyện ly kỳ khi một người trên đất liền hoàn toàn không biết gì về cuộc sống cuốn hút và trù phú có thể được nhìn thấy ngay dưới mặt nước.
Dự án bao gồm những bức ảnh được chụp trong xuyên suốt sự nghiệp nhiếp ảnh dưới nước của Doubilet, trải dài từ Papua New Guinea cho đến Đảo Grand Cayman, từ vùng nước băng Nam Cực đến Rạn san hô nhiệt đới Great Barrier Reef. Anh đã chụp lại những sinh vật biển quý hiếm, san hô, đời sống thực vật và cảnh quan dưới nước vô cùng độc đáo – tất cả đã góp phần làm nổi bật tầm quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh vật biển.
Tuy rằng đây là một trải nghiệm đầy thú vị, nhưng để tạo ra những bức ảnh này cũng đòi hỏi rất nhiều công sức. Doulibet sử dụng nhiều dòng máy ảnh Nikon với lớp vỏ SEACAM dưới nước, trang bị một loạt ống kính Nikkor góc rộng phía sau một siêu vòm kính quang học 9.5 inch. Vòm kính điều chỉnh độ phóng đại lên đến 33% dưới nước và trải dài lớp ranh giới của bề mặt theo độ cong của vòm kính.
Khi Doubilet chụp, anh phải quỳ hoặc đứng một cách cẩn thận, đôi khi anh còn nổi lên trên với vỏ camera và vòm kính nằm nửa trong nửa ngoài mặt nước. Anh chiếu sáng nửa dưới của khung hình bằng hai đèn nhấp nháy Sea and Sea YS 250 hoặc nhiều hơn.
Khía cạnh thách thức nhất của công việc này chính là tìm được hai chủ thể hấp dẫn chỉ trong một khung hình để họa nên bản chất của địa điểm mà Doubilet đang chụp.
“Tuy rằng tôi định hướng đến khoảnh khắc giữa hai thế giới trong mỗi lần lặn, bản thân những bức ảnh vốn đã là độc nhất vô nhị.” Doubilet giải thích. “Trong 5 thập kỷ và 75 câu chuyện với tư cách là một nhiếp ảnh gia của National Geographic, tôi chỉ tạo ra được một vài bức ảnh mà tôi thực sự thích.”
“Ranh giới lớn nhất tác động đến từng người trên hành tinh này không được khắc bằng mực, mà là bề mặt đại dương. Nó là một cánh cổng dẫn đến 71% khác của hành tinh chúng ta. Bất kể sống ở đâu, ven biển hay nội địa, chúng ta phải phụ thuộc vào đại dương để sản xuất oxy và các nguồn tài nguyên thiết yếu khác.”
Tuy chụp ảnh dưới nước là một thách thức, Doubilet chưa hề có ý định dừng lại và luôn mang hy vọng những dự án của anh sẽ kết nối con người với biển cả. Cuốn sách mà anh vừa xuất bản chính là lời mời người đọc đến với thế giới trong lòng nước “để nhìn ngắm, thấu hiểu, khám phá, gắn kết và bảo vệ đại dương.”
Quyển sách ảnh của Doubilet, “Hai thế giới: Bên trên và dưới lòng biển” hiện đang được mở bán với giá $60 trên Phaidon, bạn có thể tìm xem các tác phẩm nhiếp ảnh dưới nước khác của anh trên website Undersea Images.
Nguồn: petapixel.com