Bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh luôn có rất nhiều khó khan phía trước. Ngày đầu tiên làm một nhiếp ảnh gia kiến trúc, bạn có thể mắc phải một số sai lầm mà bạn ước mình đã biết từ trước. May mắn thay, những sai lầm đó có thể là bài học dành cho các nhiếp ảnh gia kiến trúc tiếp theo trong tương lai.
Dưới đây là chia sẻ của nhiếp ảnh gia kiến trúc chuyên nghiệp Usman Dawood về 5 sai lầm mà các nhiếp ảnh gia kiến trúc mới vào nghề nên tránh.
Sai lầm 1. Chụp bằng ống kính góc rộng nhất
Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia bất động sản thì bạn có thể chụp bằng ống kính góc rộng nhất hiện có trên thị trường. Các yêu cầu đối với chụp ảnh bất động sản và chụp ảnh kiến trúc là khác nhau do đó không phải lúc nào dùng ống kính góc rộng nhất cũng hiệu quả. Đây là một sai lầm cá nhân tôi cũng hay mắc phải và phần lớn sai lầm này đến từ sự thiếu tự tin và kỹ năng.
Tôi đã từng không có các kỹ năng để thiết lập bố cục một cách chính xác. Do đó tôi đã chọn chụp bằng ống kính góc rộng nhất mà tôi có. Nếu bạn mới bắt đầu chụp ảnh kiến trúc, tôi thực sự khuyên bạn không nên chụp bằng bất kỳ ống kính góc rộng nào dưới 24mm trên máy ảnh full-frame hoặc 15mm trên máy ảnh APS-C. Ống kính góc cực rộng đi kèm với những thách thức riêng và nếu bạn chưa thực hành đủ, chúng sẽ rất khó xử lý.
Hình ảnh trên được chụp bằng máy ảnh Fujifilm GFX và ống kính Canon 17mm TS-E. Đối với nội thất, sự kết hợp này không phù hợp và sự biến dạng phối cảnh tạo ra một hình ảnh có bố cục trông rất khủng khiếp. Hầu hết ảnh khi chụp quá gần đều bị méo. Vì thế chụp với tiêu cự dài hơn sẽ giúp hiệu chỉnh phối cảnh.
Chụp với độ dài tiêu cự dài hơn cũng giúp bạn lấy nét bố cục hiệu quả hơn. Tôi bắt đầu chụp với một ống kính có tiêu cự 45mm và sau đó sẽ chụp góc rộng hơn nếu được yêu cầu. Điều này đã giúp tôi điều chỉnh bố cục các bức ảnh của mình hiệu quả hơn nhiều. Với tôi bố cục là điều quan trọng nhất trong nhiếp ảnh kiến trúc. Nhìn vào hình ảnh bên dưới, bạn có thể thấy cách chụp với tiêu cự dài hơn một chút như Canon 24mm TS-E – giúp ngăn chặn rất nhiều biến dạng phối cảnh. Cá nhân tôi nghĩ rằng vẫn có thể dùng ống kính có tiêu cự dài hơn nữa để hình ảnh bên dưới được đẹp hơn.
Sai lầm 2. Cố gắng gom mọi thứ vào trong một hình ảnh
Khi tôi mới bắt đầu bước chân vào nghề, điều tôi gặp khó khăn nhất là bố cục. Như đã nói ở trên, đây là khía cạnh quan trọng nhất trong nhiếp ảnh. Nếu bạn có thể hoàn thiện bố cục, bạn sẽ gần như sẽ có một hình ảnh tuyệt vời.
Khi tôi lần đầu đi chụp, tôi đã hoảng sợ và cố gắng chụp thật nhanh. Tôi không có đủ tự tin để dành chút thời gian thực sự nhìn vào những gì tôi đang chụp. Thay vào đó, tôi sẽ chụp bằng ống kính góc rộng nhất của mình vào thời điểm đó là 17-40mm f/4.0L và cố gắng gom hết mọi thứ vào trong mỗi lần chụp.
Hãy dành một chút thời gian để xem những gì bạn đang chụp đã đúng cách chưa. Hãy thực sự hiểu rõ địa điểm mình đang chụp và lưu ý những khu vực cần được tập trung. Rất có thể bạn sẽ lo lắng trong vài lần chụp đầu tiên nhưng hãy thật bình tĩnh.
>>> Xem thêm: Bật mí cách thêm người vào ảnh kiến trúc tinh tế nhất
Sai lầm 3. Lạm dụng đèn flash để làm sáng mọi thứ
Sử dụng đèn flash để cân bằng ánh sáng xung quanh là một cách thực sự hữu ích để chụp ảnh cả nội thất và kiến trúc. Dải tần (Dynamic Range) trên tất cả các máy ảnh hiện đại đều có giới hạn và đèn flash là trợ thủ đắc lực giúp khắc phục một số vấn đề về dải tần.
Theo như tôi biết, Mike Kelley là nhiếp ảnh gia đã làm cho kỹ thuật dùng đèn flash này trở nên phổ biến hơn và được nhiều người biết đến. Đây cũng là một kỹ thuật mà tôi đã và đang ứng dụng cho nhiều buổi chụp ảnh quảng cáo của mình. Đó là một cách tuyệt vời để chiếu sáng nội thất và tạo chiều sâu hơn cho ảnh khi ánh sáng xung quanh không tốt.
Nhưng đôi khi đèn flash hay bị lạm dụng quá mức. Tôi thấy điều này khá phổ biến với nhiều nhiếp ảnh gia kiến trúc mới vào nghề. Họ có xu hướng lạm dụng đèn flash trong nhiếp ảnh. Tôi cũng từng như vậy và sau khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi bắt đầu hiểu cách sử dụng đèn flash đúng cách. Tôi tin rằng nguồn sáng chính phải là ánh sáng xung quanh vì điều đó sẽ giúp không gian nội thất hoặc tòa nhà kiến trúc trong ảnh hiện lên một cách tự nhiên nhất, thật nhất.
Chỉ nên sử dụng đèn flash như một nguồn sáng bổ sung. Thực tế yếu tố ánh sáng trong một số tình huống có thể khó kiểm soát, do đó cần phải chọn thời điểm thích hợp để chụp. Đèn flash dù có ưu việt tới đâu cũng không thể nào so sánh được với ánh sáng mặt trời. Vì lý do này, tôi thực sự khuyên bạn nên tận dụng ánh sáng mặt trời nhiều nhất có thể.
Lợi ích tuyệt vời khác của việc không lạm dụng đèn flash là bạn sẽ giảm được công việc phải làm ở phần hậu kỳ. Ngay cả Mike Kelley cũng bắt đầu sử dụng đèn flash một cách “khiêm tốn” hơn trong việc chụp ảnh nội thất. Nếu bạn xem tác phẩm mới nhất trên trang web của anh ấy, bạn sẽ nhận thấy hầu hết mọi hình ảnh đều rất ít khi cần đến sự tham gia của đèn flash.
Sai lầm 4. Cố gắng tạo ra một hình ảnh hoàn hảo về mặt kỹ thuật hơn là một hình ảnh hấp dẫn về mặt thị giác.
Hình ảnh trên được chụp bằng Canon 5D Mark III và ống kính TS-E 24mm. Vào thời điểm đó, tôi không hài lòng với máy 5D và do đó, tôi luôn tạo ảnh toàn cảnh bằng cách sử dụng tính năng shift. Hình ảnh này đẹp hoàn toàn là do may mắn vì tôi không nghĩ về bất cứ điều gì liên quan đến bố cục, ánh sáng hoặc sử dụng màu sắc.
Chắc chắn rằng phối cảnh một điểm tụ phù hợp với ảnh này nhưng điều đó rất khó đạt được chỉ trong một lần chụp. Vấn đề là trong hầu hết các trường hợp, những hình ảnh hoàn hảo về mặt kỹ thuật là một sự lãng phí thời gian. Chỉ có ba điều thực sự quan trọng trong một bức ảnh là bố cục, ánh sáng và cách sử dụng màu sắc. Như đã nói ở trên, nếu bạn có thể định hình bố cục, bạn sẽ có một hình ảnh xuất sắc. Sẽ chẳng ai quan tâm đến hình ảnh của bạn có độ phân giải như thế nào, đặc biệt nếu bạn chỉ đăng ảnh lên mạng xã hội.
Nhiều khả năng khách hàng của bạn cũng không quan tâm đến việc hình ảnh của bạn hoàn hảo về mặt kỹ thuật như thế nào. Điều họ quan tâm là hình ảnh hấp dẫn như thế nào, ánh sáng trông hài hoà không, hoặc họ thích cách tòa nhà “uốn lượn” trong khung hình. Ngừng lãng phí thời gian của bạn vào việc tạo hình ảnh đúng kỹ thuật và hãy bắt đầu chụp ảnh dựa trên ba điều thực sự quan trọng trên.
Sai lầm 5. Chi tiêu quá nhiều tiền cho thiết bị
Đây là một sai lầm không những dành cho các nhiếp ảnh gia mới mà còn dành cho các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm. Trong số 5 sai lầm tôi đưa ra trong bài viết này, đây cũng là điều quan trọng nhất cần phải “cảnh giác”. Khi tôi lần đầu tiên đặt chân vào lĩnh vực nhiếp ảnh, tôi đã đi thuê hầu hết các thiết bị và tôi đã làm việc này khá lâu trước khi mua ống kính Tilt-shift đầu tiên của mình. Nếu bạn là người mới, tôi thực sự khuyên bạn không nên mua nhiều thiết bị.
Nếu nhiếp ảnh là nghề kiếm sống của bạn thì hãy coi đây như một công việc kinh doanh. Bạn cần phải hạn chế chi phí và chi tiêu ít đi. Mục đích là kiếm tiền chứ không phải chi tiêu vào những thiết bị chụp ảnh sang trọng, mất giá. Tôi thà có nhiều tiền hơn là có nhiều máy ảnh. Hiện nay có nhiều dịch vụ cho thuê thiết bị chụp ảnh và bạn có thể dễ dàng tận dụng.
Sai lầm mà tôi đã mắc phải là tiêu rất nhiều tiền vào thiết bị chụp ảnh khi tôi bắt đầu kiếm được tiền. Đây là lúc bạn cần phải có kỷ luật và tôi đã ước hai năm qua mình đã không chi tiêu nhiều như vậy. Câu hỏi mà tôi tự hỏi mình bây giờ là “làm thế nào tôi có thể chi ít cho dự án này để tối đa hóa thu nhập của mình”?
Khi bạn thấy một chiếc máy ảnh mới và rất muốn mua nó, hãy tính toán chính xác nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, và nếu vậy thì nó có xứng đáng với chi phí không? Có giúp bạn tăng thu nhập không? Có nhiều tiền sẽ giúp công việc và cuộc sống cá nhân của bạn dễ dàng hơn so với việc có máy ảnh mới hay ống kính mới. Hãy tối đa hoá số tiềm kiếm được với chi phí đầu tư ít nhất có thể.
Theo Apalmanac