Theo đuổi mảng nhiếp ảnh đời thường, Trần Thế Phong mải miết đi tìm vẻ đẹp của những phận người trong tất tả xuôi ngược mưu sinh. Với anh, mỗi bức ảnh là một câu chuyện đẹp mà anh muốn lan tỏa hơn là cất giữ cho riêng mình.

Tôi gọi cho anh vào một buổi tối mùa đông, khi anh vừa trở về nhà sau một ngày tất bật bên ngoài để chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ của thành phố hoa lệ trong những ngày căng mình vì dịch bệnh.

Một cuộc trò chuyện kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, không quá dài để tôi có thể hiểu trọn vẹn về anh nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để tôi cảm nhận được cái lửa về sự nhiệt huyết, sự đam mê với cái nghiệp nhiếp ảnh mà anh đang gắn bó.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Nhân duyên gắn bó với nhiếp ảnh

Vốn đã thành danh khi xuất bản 10 đầu sách, 16 cuộc triển lãm ảnh, anh có thể nghỉ ngơi sau hơn 30 năm gắn bó với nghề. Nhưng không, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Vì anh quan niệm, làm điều mình thích, tận hưởng từng giây từng phút với cái đam mê của mình thì sống mới đáng.

Trần Thế Phong – cái tên chẳng còn xa lạ gì trong cộng đồng nhiếp ảnh khi sở hữu “một khối tài sản kếch xù” về giải thưởng lớn nhỏ cả trong nước và quốc tế. Thế nhưng, cái ấn tượng đầu tiên của bất kỳ ai khi tiếp xúc với anh đó là sự chân chất, mộc mạc, giản dị… thực sự khác hẳn về những gì mà người ta vẫn mặc định về một người nhiếp ảnh nổi tiếng.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong xuất thân là trẻ đường phố, bố mẹ ly dị khi anh 3 tuổi, đến năm 6 tuổi anh đã lăn lộn bươn trải với đủ thứ nghề, từ công việc bán vé số, bán báo dạo, bán kem dạo đến phụ bếp… để mưu sinh. Có lẽ vì vậy, mà anh dành tình cảm đặc biệt cho những đứa trẻ, những số phận đường phố. Và đó chính là chất liệu giúp anh bén duyên với nhiếp ảnh và gắn bó đến tận giờ.

Anh cũng tự nhận mình là người chẳng có chút năng khiếu nào về nhiếp ảnh, tất cả đều là “nhân duyên”, là xúc cảm, là những rung động mà anh được trải nghiệm, được lắng nghe từ những con người thật, việc thật ngoài đời sống và được “gói ghém” lại một cách trọn vẹn trong từng khuôn hình.

Với anh, nhiếp ảnh là một “nghề” để sống, nhưng không vì thế mà anh đánh mất đi cái sự thong dong, tự do, tự tại. Anh tôn trọng cảm xúc của chính mình, vì vốn dĩ, mọi thứ trên đời này nếu xuất phát từ cảm xúc thật thì đều chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Giải thưởng trong nhiếp ảnh không phải là mục tiêu duy nhất mà nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong theo đuổi. Nói là động lực để hoàn thiện, để học hỏi, để cố gắng mỗi ngày thì đúng nhưng chưa đủ. Vì nền tảng cốt lõi nhất của nhiếp ảnh chính là lan tỏa được thông điệp.

Mỗi bức ảnh khi đưa đến công chúng phải chứa đựng nội dung và mang nhiều tầng ý nghĩa mới có thể chạm được đến cảm xúc sâu nhất trong mỗi người. Vậy nên, khi một bức hình được đăng tải, nhân vật trong ảnh nhận được sự giúp đỡ đúng lúc của mọi người và đó mới là động lực lớn nhất với anh. Vì khi ấy, bức ảnh không chỉ mang đến cảm nhận về thị giác thông thường mà còn có ý nghĩa nhân văn, giá trị đạo đức, lan tỏa thông điệp về tình yêu thương giữa người với người.

Bức ảnh mang đầy sự tích cực
Hình ảnh em bé đáng yêu
Hình ảnh đôi bạn thân

Nhiếp ảnh nằm trong đời thường và mang hơi thở cuộc sống xã hội

Xuất phát điểm của bản thân cộng với cái chất mộc mạc và giản dị trong người nên anh tự nhận anh không hợp với cái gì quá hoa mỹ hay trừu tượng. Anh cũng quan niệm cái đẹp nằm trong đời thường và nó mang hơi thở cuộc sống xã hội. Vì vậy, anh chụp nhiều bức ảnh nghệ thuật đậm tính báo chí hơn những bức ảnh nghệ thuật thiên về trừu tượng.

Nhân vật trong các bức ảnh của Trần Thế Phong rất đa dạng, không bó hẹp trong bất kỳ đối tượng nào. Đó có thể là các cụ già bán vé số, những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, những người thợ bên lò gốm,…là tất cả những người mà anh bắt gặp trên đường. Và với anh, đó là nhân duyên!

Nhưng đứa trẻ lang thang cơ nhỡ
Một khoảnh khắc đáng yêu được nhiếp ảnh gia ghi lại

Mọi khoảnh khắc anh chụp đều là khoảnh khắc chân thật, không hề sắp đặt. Có những khoảnh khắc tình cờ gặp trên đường nhưng thiếu chút duyên nên khi đưa máy lên chụp thì bị lỡ mất. Lúc đó, cái cảm giác hụt hẫng trong anh rất lớn nhưng tất cả đều là “nhân duyên”, phải đúng lúc, kịp duyên mới có thể chụp được.

Chân dung cuộc sống qua lăng kính của Trần Thế Phong
Chạy mưa

Ở cả hai đợt dịch Covid-19 khi nhà nhà ở yên, anh lại vác máy ra đường. Lúc đó, anh chỉ đơn thuần nghĩ phải ghi lại mọi thứ vì những cảnh tượng về một Sài Gòn im ắng như thế này thật hiếm có trong lịch sử. Dù biết có thể gặp rủi ro nhưng lúc nào anh cũng tâm niệm “nếu cứ để nỗi sợ khỏa lấp tâm trí thì thì sẽ chẳng bao giờ làm nổi việc gì”. Từ những tấm ảnh của anh, một bịch bánh mì, một con đường giăng kín hàng thép gai…tất cả đều hiện lên một cách tươi sáng và mang ý nghĩa riêng. Anh kể, đã có hơn 6.000 hình ảnh được anh ghi lại, tất cả những gì của Sài Gòn hôm nay là gia tài quý giá trong cuộc đời nhiếp ảnh của anh!

Lưu ý: Các hình ảnh đều có tác quyền, không sao chép, sử dụng dưới mọi hình thức thương mại khi chưa có sự chấp thuận của tác giả.

Trần thế Phong, sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc E.VAPA/G và là một phóng viên ảnh tự do đã đoạt nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí trong và ngoài nước. 11 lần giải thưởng công trình sách, ảnh xuất sắc quốc gia (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) 13 lần giải báo chí thành phố và quốc gia, giải nhất văn học nghệ thuật 5 năm TP.HCM… Giải thưởng lớn (Grand prix) Nhật Bản, 3 lần huy chương vàng TRIERENBERG SUPER CIRCUIT (Áo), 4 lần huy chương ASAHI SHIMBUN (Nhật bản)….

Vân Virgo

Contributor

Chọn Chủ đề

NHIẾP ẢNH KIẾN TRÚC

THẺ TAG

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel