Andre Luu lớn lên tại Mỹ, nhưng lựa chọn quay về Việt Nam để theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh của mình. Anh chưa bao giờ tự coi mình là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà luôn tin rằng, nhiếp ảnh chính là việc bắt trọn được những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Andre Lưu chụp tại đảo Bé Lý Sơn Quảng Ngãi.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Andre Luu chụp tại đảo Bé Lý Sơn Quảng Ngãi.

Cùng trò chuyện với nhiếp ảnh gia Andre Luu để hiểu hơn về hành trình theo đuổi nhiếp ảnh cũng như câu chuyện phía sau mỗi bức ảnh.

Để bắt đầu, anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa anh đến với nhiếp ảnh chuyên nghiệp?

Từ những năm trung học, tôi đã đã có niềm yêu thích đặc biệt với nhiếp ảnh. Vì vậy, tôi có đăng ký một khóa nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở Viện Nhiếp ảnh New York và hoàn tất khóa học đó trong khoảng 2 năm.

Khoảng năm 2011, tôi quay trở lại Việt Nam và có tiếp tục nghiên cứu cũng như đầu tư thời gian để hiểu hơn về môn nhiếp ảnh phong cảnh. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, khi đi nghỉ dưỡng, giải trí tôi đã ghi lại, bắt lại những khoảnh khắc đẹp của những nơi mình đặt chân đến thông qua những bức ảnh. Và từ đó đến nay, tôi tập trung nhiều cho tình yêu và niềm đam mê nhiếp ảnh phong cảnh, đặc biệt là phong cảnh Việt Nam.

Cho đến giờ phút này, nhiếp ảnh đối với tôi như một niềm đam mê, hay nói chính xác hơn là một môn giải trí. Thay vì đánh tennis hay golf, tôi lựa chọn nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh gia Andre Lưu.
Nhiếp ảnh gia Andre Luu.

Những bức ảnh của anh được nhận xét là tạo được nét rất riêng của Andre Luu cả về bố cục, màu sắc…, Vậy anh có thể chia sẻ quan điểm cũng như kinh nghiệm chụp ảnh của mình để có được những bức ảnh như vậy?

Tôi chụp ảnh với căn bản kỹ thuật tối ưu nhất có thể rồi canh khoảnh khắc, sáng tạo trong hậu kỳ và duyệt ảnh bằng cách lắng nghe trái tim của mình. Vì chỉ khi cảm nhận bằng lý lẽ của trái tim thì bức ảnh mới có được cái hồn riêng của nó.

KỊCH TÍNH KÊ GÀ (Dramatic Sunrise).

Anh thường mất bao lâu để thực hiện hoàn chỉnh một bức ảnh? Với anh đâu là điều quan trọng để tạo nên một bức ảnh có hồn?

Sáng tác ảnh nghệ thuật rất khó nói, chụp ảnh thì phải nhanh mới bắt được đúng cái khoảnh khắc kỳ diệu của tạo hóa thiên nhiên. Sau khi chụp xong, tôi sẽ lựa ra vài ảnh cho tôi nhiều cảm xúc nhất, rồi bắt đầu xử lý hậu kỳ. Đây cũng là một phần trong việc sáng tác hoàn thiện một bức ảnh.

Đối với tôi, chụp ảnh là cách để mình vui, để mình thỏa mãn trong chính cảm xúc của mình nên khi chụp thì cần sự từ tốn. Mà muốn có được sự từ tốn ấy thì cần dư dả về thời gian. Khi lựa chọn được địa điểm chụp thì đến đó sớm một chút, thư thả chọn góc và canh đợi khoảnh khắc. Trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, mình có cơ hội cho riêng mình, được hít thở không khí trong lành và được hòa mình với thiên nhiên.

Có những lúc bình minh hay hoàng hôn mà bầu trời chuyển tiếp thay đổi màu sắc như một show ánh sáng ngoạn mục. Trải nghiệm bản thân ở nơi chụp mới là trải nghiệm tuyệt vời nhất, trước khi nói đến bức ảnh.

Vậy nên, nhiếp ảnh là giây phút để tôi quên hết mọi thứ, không phải lo cái gì, đó là giây phút dành cho tâm hồn của mình sự nhẹ nhàng, vô ưu.

Theo kinh nghiệm của anh, để tạo nên 1 bức ảnh bắt được những khoảnh khắc xuất thần thì kỹ năng nào là quan trọng nhất, đặc biệt là với dòng nhiếp ảnh thuộc thể loại phong cảnh?

Quan trọng nhất để tạo ra một bức ảnh đẹp và có hồn thì tôi phải hình dung ra được bức ảnh hoàn thiện trước khi chụp và xử lý. Lúc đó tất cả các kỹ thuật dùng chỉ là công cụ để giúp mình thực hiện bức ảnh trong đầu của mình, cho cái khung cảnh trước mắt mình.

Có nhiều bức ảnh phải chụp lại nhiều lần sau đó mới đúng với ảnh trong tâm trí mình. Ví dụ ảnh đang chụp cảnh biển rất lặng yên, nhưng trong đầu nghĩ là nó phải có sóng trào mới đẹp, thế là đợi vài tháng sau đúng lúc có sóng trào để thực hiện tiếp. Hoặc muốn vị trí mặt trời phải qua trái hay qua phải thì phải canh đúng tháng mà mặt trời di chuyển đến vị trí đó ….

SOI BÓNG RÊU XANH (Sea Moss Pool)

Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về kinh nghiệm khi chụp ảnh tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi gió lớn thì cần lưu ý điều gì và cài đặt chế độ chụp như thế nào để tạo được 1 bức ảnh ưng ý?

Chụp ảnh ở nơi có gió lớn thì máy ảnh rất dễ bị rung, tôi có những cách sau kết hợp theo thứ tự quan trọng và ưu tiên.

  • Dùng thân mình đứng trước hướng gió để chắn gió thổi vào máy ảnh, do máy ảnh chỉ rộng tầm 13cm thì lưng của mình 50cm dư để chắn gió. Hiếm khi gió thổi trực diện vào máy ảnh từ hướng ống kính, nên trước giờ tôi thấy cách này hiệu quả nhất.
  • Dùng balo, túi sách mang theo treo đề lên phần trên của máy ảnh, hoặc ống kính nơi thẳng trục với phần tiếp xúc với ballhead/chân máy để đè máy ảnh chắc xuống, điều này giúp hạn chế độ rung từ gió.
  • Dùng loại chân máy có cọc nhọn dài để ghim chắc vào đất/đá cũng giúp hạn chế rung.
  • Nếu không cần chụp phơi chậm thì đơn giản là dùng tốc độ cao thì cũng giúp đóng băng được khoảnh khắc cho dù máy rung nhưng ảnh vẫn nét căng.

Cảm ơn anh đã có buổi chia sẻ rất thú vị!

Độc giả yêu nhiếp ảnh cũng có thể theo dõi chuyên trang “Khoa học và Nghệ thuật nhiếp ảnh” của nhiếp ảnh gia Andre Luu.

Cùng xem thêm một số tác phẩm xuất sắc của nhiếp ảnh gia Andre Luu. Lưu ý: Các hình ảnh đều có tác quyền, không sao chép, sử dụng dưới mọi hình thức thương mại khi chưa có sự chấp thuận của tác giả.

Bức ảnh được chụp tại Mắt Ngọc Kê Gà.
Bức ảnh được chụp tại Mắt Ngọc Kê Gà.
Đá Đỏ Ẩn Tàng.
Đá Đỏ Ẩn Tàng.
Bức ảnh với tựa đề "Ngôi sao lao động".
Bức ảnh với tựa đề “Ngôi sao lao động”.
Vần vũ Kê Gà.
Vần vũ Kê Gà.
Rêu xanh Hòn đỏ.
Rêu xanh Hòn đỏ.

Vân Virgo

Contributor

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel