Instagram có gần 500 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày và có tỷ lệ tương tác cao hơn 23% so với Facebook và 84 lần so với Twitter. Với một lượng người dùng “khủng” như vậy, đây là kênh truyền thông tối ưu để các nhiếp ảnh gia chia sẻ tác phẩm của mình với đối tác trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, việc cập nhật thường xuyên các tính năng của Instagram và tận dụng tiềm năng của chúng để phát triển sự nghiệp nhiếp ảnh của bạn có thể là một thách thức lớn cho người mới bắt đầu.
Có thể bạn đã nghe rất nhiều lời khuyên khác nhau về các phương pháp hay dùng nhất trên Instagram, đặc biệt là về việc kéo tương tác với khán giả. Có nhiều cách tiếp cận bạn có thể làm để tăng lượng người theo dõi của mình, nhưng nên nhớ điều đó phải phù hợp với phong cách cá nhân của bạn nhé. Dưới đây sẽ là một số mẹo hay giúp bạn phát triển thương hiệu cá nhân của mình trên nền tảng Instagram.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Hầu hết các hướng dẫn sử dụng Instagram đều nhấn mạnh đến chiến lược và mức độ tương tác – và tất nhiên, điều này cực kỳ quan trọng và cũng chẳng hề dễ. Tuy nhiên, đôi khi những việc nhỏ nhất như thêm ảnh đại diện chuyên nghiệp và viết tiểu sử giới thiệu một cách độc đáo có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho kênh Instagram của bạn. Trước khi chúng ta nghĩ cách làm sao để kéo tương tác, trước tiên hãy chú trọng cách bạn thể hiện bản thân mình như thế nào đã nhé.
Mẹo 1: Hãy là chính bạn trên mạng xã hội.
Đừng để Instagram chỉ là nơi đăng tải những bức ảnh đẹp nhất của bạn. Đằng sau mỗi bức ảnh, hãy cố gắng kể một câu chuyện nào đó. Hãy biến phần tiểu sử (bio) thành cơ hội để làm nổi bật cá tính cũng như tính chất công việc của bạn – ngắn gọn trong khoảng 150 ký tự.
Giới hạn ký tự thường là rào cản khiến các nhiếp ảnh gia bỏ qua phần tiểu sử, nhưng bạn hoàn toàn có thể khiến nó trông chuyên nghiệp hơn với các mục chính sau:
- Ảnh đại diện chuyên nghiệp
- Họ tên đầy đủ – Nghề nghiệp
- Phong cách chụp ảnh
- Địa chỉ website/portfolio của bạn (nếu có)
- Những điều khác bạn muốn mọi người biết về bạn
Thương hiệu cá nhân có thể giúp bạn trên con đường kiếm tiền bằng nghề nhiếp ảnh, vì vậy hãy đăng những gì mà bạn cảm thấy ưng ý nhất theo cách khoa học nhất. Điều đó nghĩa là gì?
Vâng, mỗi người có một cách tiếp cận công việc khác nhau. Một số nhiếp ảnh gia có cái nhìn tổng quan hơn, các bài đăng được sắp xếp gọn gàng, trong khi những người khác lại đăng bài theo kiểu “tự phát”. Một số người thích chụp ảnh màu sắc tươi sáng, trong khi những người khác có phong cách tối giản, u ám. Ví dụ: hãy xem xét hai nhiếp ảnh gia đều chuyên chụp ảnh khám phá thế giới. Stephen Matera có một trang cá nhân đầy màu sắc, trong khi Chris Henry lại chỉ hướng theo một tông màu nhất định. Tất cả phụ thuộc vào phong cách cá nhân bạn muốn theo đuổi.
Mẹo 2: Hãy độc đáo – hãy là chính mình.
Ngày nay, việc marketing bản thân với slogan quen thuộc kiểu “tôi là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp” là không đủ để khiến khách hàng phải trầm trồ thán phục. Khách hàng sẽ tò mò hơn về bạn là ai, câu chuyện đằng thương hiệu cá nhân của bạn là gì, và những điều đó liên kết với nhau như thế nào. Bạn có đam mê và có tiếng nói về các vấn đề xã hội hay vấn đề về môi trường không? Bạn có ủng hộ cộng đồng LGBT hay phản đối phân biệt chủng tộc không? Bạn có dự án cộng đồng nào đang thực hiện hay có tham gia tổ chức yêu thích nào không?
Hãy dùng Instagram như một cách để thể hiện cá tính của bạn. Nếu có điều gì đặc biệt hoặc quan trọng đối với bạn – đừng ngại đăng bài về điều đó! Với một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Instagram là nền tảng truyền thông xã hội cực kỳ mạnh mẽ mà bạn hoàn toàn có thể tận dụng.
Ngoài việc đăng những tấm ảnh chuyên nghiệp, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ những bức ảnh hậu trường trong dự án bạn đang tham gia. Xét cho cùng, thương hiệu cá nhân cũng nên có một phần cuộc sống và công việc thường ngày, tạo cảm giác gần gũi khiến người khác muốn hợp tác làm việc với bạn hơn.
Quan trọng nhất, bạn muốn đăng những hình ảnh có liên quan và kể những câu chuyện thông qua những gì bạn chia sẻ – cho dù những câu chuyện đó là về các dự án gần đây bạn đang thực hiện, những chuyến du lịch phiêu lưu hay cảnh hậu trường chụp ảnh.
Mẹo 3: Nên có một tài khoản doanh nghiệp trên kênh Instagram.
Điều này không bắt buộc với tất cả mọi người, nhưng nếu bạn sống bằng nghề chụp ảnh hay sở hữu một studio, chúng tôi khuyên bạn nên có một kênh Instagram chỉ dành cho công việc. Hay nói cách khác là lập tài khoản doanh nghiệp.
Bạn nên để thông tin liên hệ, có các nút tiện ích như gọi điện, gửi email và thậm chí nút nhận chỉ đường đến vị trí của bạn – giúp khách hàng kết nối với bạn dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn có thể đặt link tới trang web của mình trong phần tiểu sử để gia tăng cơ hội hợp tác sau này với khách hàng tiềm năng.
Với tài khoản doanh nghiệp, bạn sẽ nhận được số liệu phân tích kênh hữu ích qua Instagram Insights, bao gồm:
- Thời điểm những người theo dõi của bạn hoạt động tích cực nhất (theo giờ hoặc theo ngày)
- Nơi họ sống (theo thành phố hoặc quốc gia)
- Nhân khẩu học.
Bạn cũng sẽ nhận được thông tin cụ thể về bài đăng của mình, chẳng hạn như số lần hiển thị, phạm vi tiếp cận, mức độ tương tác và số lượt lưu về trong một khung thời gian cụ thể. Ngoài ra còn cung cấp số lượng người đã nhấp vào liên kết trong tiểu sử của bạn hoặc ấn vào nút liên hệ.
Khi bạn quan trọng vấn đề tăng lượng người theo dõi, chúng tôi khuyên bạn nên đầu tư vào phần mềm bổ sung để có các phân tích chi tiết, mạnh mẽ hơn (Hootsuite là một lựa chọn tuyệt vời). Tuy nhiên, phần phân tích người dùng của Instagram cũng khá đầy đủ cho bạn rồi.
Lên kế hoạch đăng bài
Mẹo 4: Đăng bài thường xuyên
Mặc dù có rất nhiều lời khuyên khác nhau về tần suất đăng bài, chúng tôi khuyên bạn nên đặt mục tiêu đăng 1 bài/ngày. Nếu không có thời gian thì 1 tuần bạn có thể đăng khoảng 5 bài là hợp lý.
Hãy thật kiên trì! Nếu bạn chỉ đăng bài trên blog của mình 2 lần/ năm, thì thậm chí có một blog cũng chẳng ích gì. Điều tương tự cũng xảy ra với Instagram – đừng để tài khoản của bạn “đóng màng nhện”. Nếu Instagram có khả năng quảng bá sản phẩm của bạn trước hàng nghìn người hàng ngày thì bạn nên tương tác thường xuyên hơn.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc lên lịch đăng bài, bạn có thể thử tham khảo app Later hoặc Buffer, cho phép bạn đặt lịch đăng bài trước cho cả tuần, cả tháng. Các công cụ này cũng có phần số liệu phân tích đối tượng, với thông tin chi tiết về lượt hiển thị và phạm vi tiếp cận.
Mẹo 5: Tận dụng Instagram Story
Tính năng Story là nơi hoàn hảo để cập nhật hoạt động hàng ngày của bạn trong vai trò là một nhiếp ảnh gia. Story sẽ chỉ xuất hiện trong vòng 24 giờ, bạn không cần phải quá chỉn chu và cầu kỳ phần này. Tính năng Story giúp tăng cơ hội xuất hiện trong phần Khám phá của Instagram và thể hiện sự gần gũi với những người theo dõi bạn.
Instagram Story cũng là nơi sáng tạo nội dung thông qua các phông chữ, filter, âm nhạc, tag bạn bè và gắn vị trí,… Ngay cả khi bạn đang có một tuần bận rộn và “mất hút” trên mạng xã hội, bạn hoàn toàn vẫn có thể đăng story để giữ tương tác với các follower của mình.
Chú thích ảnh và hashtag
Chú thích ảnh và hashtag là công cụ hỗ trợ đắc lực để thu hút sự tương tác vào bài đăng của bạn. Tiêu đề ảnh cuốn hút giúp bạn thể hiện cá tính của chính mình.
Mẹo 6: Tạo tiêu đề thật tốt
Hãy nhớ rằng người xem sẽ dành nhiều thời gian hơn cho hình ảnh nếu có tiêu đề hấp dẫn, cuốn hút. Theo đề xuất của Instagram, 125 ký tự là tối ưu nhất cho phần chú thích ảnh (không nên quá dài dòng). Mặc dù độ dài tiêu đề cũng gây nhiều tranh cãi, nếu bạn có một câu chuyện dài thực sự thú vị để kể về bức ảnh, hãy cứ viết hết ra. Bạn có nhiều khả năng tạo ra tương tác thực sự theo cách này, nhưng hãy giữ cho câu đầu tiên hấp dẫn và thu hút người đọc nhấp vào nút “xem thêm” nhé.
Hashtags được sử dụng chủ yếu để gắn mác các chủ đề có liên quan tới bài viết của bạn. Người dùng có thể tiếp cận bài viết của bạn thông qua hashtag.
Mẹo 7: Hãy có chiến lược cụ thể với hashtag
Hashtag hay nói cách khác là gắn thẻ. Thẻ bắt đầu bằng dấu # có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực đến phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác của bạn. Hàng triệu bức ảnh được phân loại bằng các thẻ phổ biến và hình ảnh mới xuất hiện mỗi giây. Vì vậy, nếu bạn sử dụng các thẻ bắt đầu bằng # phổ biến nhất (chẳng hạn như #travel) và không thu hút được hàng nghìn lượt thích trên mỗi ảnh hoặc không được làm nổi bật trên phần “Ảnh hàng đầu”, người dùng có thể sẽ bỏ qua bức ảnh của bạn. Thêm vào đó, bạn có thể nhận được nhiều bình luận spam và lượt thích từ bot hơn là người thật.
Hãy sáng tạo với hashtag thương hiệu, gắn thẻ hashtag thể loại nhiếp ảnh cụ thể của bạn, thành phố nơi bạn sống, v.v. Ví dụ: #fujifeed là một thẻ chất lượng cho người dùng máy ảnh Fujifilm do Fujifeed điều hành.
Chúng tôi khuyên bạn nên dùng không quá 15 thẻ. Bạn chắc chắn không muốn trông như là spam đúng không? Mục đích hashtag là để việc tìm kiếm bằng thẻ # trở nên dễ dàng hơn.
Nếu bạn sử dụng phần mềm truyền thông như SproutSocial hoặc Onlypult, trong phần phân tích sẽ cho bạn biết thẻ bắt đầu bằng # của bạn là gì, giúp bạn dễ dàng tái tạo thành công bằng một số hình ảnh nhất định.
Vị trí địa lý
Mẹo 8: Hãy gắn thẻ địa lý
Vị trí địa lý cho phép bạn gắn thẻ một địa điểm trong ảnh của mình. Bạn nên gắn thẻ này cho tất cả các bức ảnh đăng trên IG. Nó giúp khán giả của bạn, cộng với những người đang tìm kiếm ảnh của một địa điểm cụ thể, dễ dàng tiếp cận với ảnh của bạn hơn.
Bằng cách bật tính năng theo dõi vị trí trong thư viện ảnh của điện thoại, Instagram sẽ có thể tự gắn thẻ địa lý cho ảnh bạn khi được đăng lên IG. Điều này áp dụng cho ảnh trên iPhone, nhưng nhiều máy ảnh hiện nay đã có định vị GPS rồi.
Đối với nhiếp ảnh gia tài liệu Johnny Haglund, người thường xuyên di chuyển giữa các quốc gia thì Thẻ vị trí địa lý là một công cụ đặc biệt quan trọng.
Tương tác với những người dùng khác
Một trong những cách tốt nhất để phát triển danh tiếng trên mạng xã hội của bạn là tích cực tương tác với những người khác trong ngành.
Mẹo 9: Tham gia vào cộng đồng Instagram
Bắt đầu bằng cách tự tìm kiếm các thẻ hashtag để tìm các nhiếp ảnh gia khác quan tâm đến các chủ đề và kỹ thuật giống như bạn và theo dõi các tài khoản truyền cảm hứng cho bạn. Sau đó, hãy bắt đầu tương tác với các tài khoản nhiếp ảnh này – chúng tôi khuyên bạn nên ấn thích, chia sẻ và bình luận qua lại về bài đăng của những người khác.
Hãy xây dựng các mối quan hệ trực tuyến và khán giả của bạn sẽ dần tăng lên. Cố gắng dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tương tác với cộng đồng nhé. Bạn cũng có thể học hỏi được nhiều điều từ người mà bạn theo dõi đó.
Theo dõi các nhiếp ảnh gia khác cho phép bạn biết ai đang làm việc với khách hàng nào và loại tác phẩm họ đang sản xuất. Tương tác với các nhiếp ảnh gia khác trên Instagram đặc biệt quan trọng vì họ có nhiều khả năng sẽ tương tác lại với bạn. Và chắc hẳn bạn cũng sẽ muốn theo dõi tài khoản Instagram của các khách hàng tiềm năng, khách hàng hiện tại trong ngành nhiếp ảnh phải không?
Các thuật toán của IG
Instagram có nhiều thuật toán khác nhau để thiết lập thứ tự bài đăng trên newfeed. Trước đây, Instagram trình bày các bài đăng theo thứ tự thời gian. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người tham gia vào nền tảng này, họ đã thay đổi thuật toán. Tài khoản mà bạn hay tương tác nhất sẽ được ưu tiên hiển thị trước.
Hãy nhớ rằng các thuật toán của Instagram nhằm hiển thị cho người dùng các bài đăng và tài khoản phù hợp nhất với sở thích của họ. Do đó, điều quan trọng là phải tương tác với các tài khoản quan tâm đến nhiếp ảnh. Từ đó, rất đơn giản: tài khoản bạn tương tác nhiều nhất cũng sẽ là tài khoản mang lại cho bạn khả năng hiển thị tối đa.
Các cách khác để thuật toán của Instagram mang lại lợi ích cho bạn bao gồm: đăng bài vào những khung giờ phổ biến và theo dõi các xu hướng, tính năng đăng bài mới.
Cộng tác
Cộng tác với các nhiếp ảnh gia và các chuyên gia khác trong ngành là một cách tuyệt vời để xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn cũng như sự công nhận thương hiệu tổng thể.
Mẹo 10: Cộng tác chéo
Dưới đây là ví dụ về việc tạp chí và thương hiệu nổi tiếng Bon Appétit chia sẻ một trong những hình ảnh gần đây của nhiếp ảnh gia Chona Kasinger. Đó là một ví dụ tuyệt vời về cách bạn có thể giới ảnh của mình trên IG một thương hiệu nổi tiếng để thu hút nhiều người xem hơn đó.
Khi đăng ảnh dự án lên IG, hãy luôn gắn thẻ nhóm, khách hàng và thương hiệu có liên quan. Nó có thể khuyến khích họ đăng lại hình ảnh của bạn và nó sẽ hiển thị trong các tìm kiếm trên Instagram và các ảnh được gắn thẻ của tài khoản.
Lời kết
Chúng ta đang sống trong thế giới 4.0, rất có khả năng khách hàng sẽ tìm thấy tài khoản Instagram vào một ngày đẹp trời và quyết định hợp tác với bạn.
Khi bạn lập ra kênh IG, bạn đang tham gia một cộng đồng sáng tạo cho phép bạn tương tác với khán giả, chia sẻ, truyền cảm hứng cũng như phát triển nghề nghiệp của mình. Miễn là bạn có chiến lược, đăng nội dung chất lượng, chăm chỉ tương tác với những người khác thì ảnh của bạn sẽ ngày càng tiếp cận được nhiều người hơn.
Để theo kịp các xu hướng trên Instagram, bạn cũng nên bỏ thời gian cập nhật thường xuyên. Hãy tận dụng Instagram như một kênh chính để quảng bá thương hiệu cá nhân của bạn nhé.
Nguồn: Petapixel.com