Chủ nghĩa tối giản – Minimalism là một thuật ngữ được nhiều nhiếp ảnh gia nhắc đến trong những năm gần đây. Ngoài việc loại trừ một số yếu tố phức tạp ra khỏi hình ảnh của chúng ta, Minimalism còn thể hiện một ý nghĩa rộng lớn hơn, có thể biến đổi cách chúng ta tiếp cận nhiếp ảnh.
Vị kiến trúc sư và vị giám đốc cuối cùng của Bauhaus, Ludwig Mies van der Rohe đã từng nói: “Less is more”. Tuy nhiên, chủ nghĩa tối giản không chỉ là việc giảm bớt các yếu tố trong một bức tranh mà còn là sự loại bỏ tất cả những gì được trang trí công phu, phức tạp.
Sự xuất hiện của Minimalism
Giống như hầu hết các phong trào nghệ thuật khác, Minimalism bắt đầu xuất hiện ở phương Tây như một lời khẳng định về những gì đã đến trước nó. Trong thời kỳ này, một phần các nhiếp ảnh gia vẫn theo chủ nghĩa hiện đại, giống như của Pablo Picasso, còn người sau này lại theo đuổi chủ nghĩa tối giản.
Trong nghệ thuật và thiết kế phương Tây, Minimalism xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào những năm 1960. Tuy nhiên, Minimalism đã có trước thời gian đó dưới một cái tên khác. Việc loại bỏ sự lộn xộn ra khỏi nghệ thuật đã là một phần quan trọng của văn hóa Nhật Bản trong nhiều thế kỷ về trước. Ví dụ như hình ảnh dưới đây.
Tác phẩm: Phong cảnh Bốn mùa (Tám góc nhìn của sông Xiao và sông Xiang) của tác giả Sōami được tạo ra vào đầu thế kỷ 16, mang nét thẩm mỹ tối giản đặc trưng cho nền văn hóa hàng trăm năm của Nhật Bản.
Giống như nhiều trào lưu nghệ thuật khác, cách tiếp cận tối giản có nguồn gốc từ triết học. Thiền tông quan tâm đến việc giảm thiểu những chi tiết không liên quan trong cuộc sống. Trong khi đó, trong triết học phương Tây, phong trào này bắt nguồn từ công trình nghiên cứu của Gottlob Frege và những lý thuyết triết học của ông về chân lý.
Trong nhiếp ảnh, chủ nghĩa tối giản không chỉ đơn thuần là loại trừ một số vật thể khỏi khung hình. Với các nghệ thuật tạo hình khác, hình ảnh chủ yếu miêu tả thế giới xung quanh chúng ta một cách chân thật nhất. Trong khi đó, với chủ nghĩa tối giản, chúng ta sẽ không cố gắng thể hiện thực tế bên ngoài mà chỉ khiến cho người xem cảm nhận những gì ngay trước mắt họ. Những bức ảnh tối giản có vẻ đẹp tinh tế, thể hiện một trật tự hài hòa và đơn giản.
Vẻ đẹp của những bức ảnh mang tính tối giản thường đem đến những điều bất ngờ bằng cách làm nổi bật những hình học trừu tượng. Trong nhiếp ảnh tối giản, chúng ta đang từ chối việc miêu tả thực tế.
Để hiểu nguyên tắc này, hãy xem xét hình ảnh sau đây. Đó là cảnh bình minh trên biển, với mặt trời phản chiếu trên mặt nước. Bức ảnh thứ hai là ảnh cắt từ hình ảnh đầu. Nếu không có bối cảnh của hình ảnh thứ nhất, đường màu vàng có thể khá trừu tượng. Đó không nhất thiết phải là hình phản chiếu của ánh nắng mặt trời trên biển, đó chỉ là một đường màu vàng trên một bề mặt có kết cấu gợn sóng mà thôi.
Nhiếp ảnh tối giản (Minimalist Photography) luôn đại diện cho thực tế
Có một sự khác biệt lớn giữa hầu hết các tác phẩm nghệ thuật tối giản và nhiếp ảnh tối giản. Tuy nhiên, dù có thế nào thì một bức ảnh luôn là đại diện cho thế giới thực. Do đó, những hình ảnh tối giản của chúng ta thoạt đầu có thể chỉ là những hình dạng hình học, nhưng khi xem xét kỹ hơn, chủ thể của bức ảnh sẽ trở nên rõ ràng.
Như được chấp nhận bởi lý thuyết Gestalt hiện đại, tâm trí của chúng ta đột nhiên thay đổi từ việc nhìn thấy các mô hình trừu tượng sang nhận biết đối tượng. Theo đó, trong nghệ thuật, chủ nghĩa tối giản cũng có thể được coi là một nhánh của nhiếp ảnh trừu tượng.
Sử dụng kỹ thuật chụp ảnh tối giản
Làm thế nào chúng ta có thể đưa chủ nghĩa tối giản vào những bức ảnh của mình? Cách tiếp cận mà bạn có thể áp dụng là chụp các chủ thể tối giản hoặc sử dụng các kỹ thuật trong nhiếp ảnh để đạt được kết quả tối giản.
Vì vậy, chúng ta có thể tìm kiếm các đối tượng vốn đã mang phong cách tối giản, chẳng hạn như các tòa nhà hiện đại, và thậm chí cả những vật dụng hàng ngày. Rất có thể điện thoại di động, máy tính xách tay và một số máy ảnh của bạn cũng được thiết kế tối giản.
Ngoài ra, có vô số kỹ thuật trong máy ảnh bạn có thể sử dụng để tạo ra những bức ảnh mang phong cách tối giản như:
- Đạt được độ sâu trường ảnh nông
- Sử dụng phơi sáng lâu
- Di chuyển máy ảnh có chủ đích, đến cực gần hoặc cực xa
- Chụp trong sương mù và sử dụng các không gian âm (negative space) rộng lớn.
Chủ nghĩa tối giản trong thiết kế
Trong thiết kế và kiến trúc, chủ nghĩa tối giản là ý tưởng của kiến trúc sư Louis Sullivan với lý thuyết: hình thức tuân theo chức năng. Từ học thuyết này chúng ta có thể thấy, tất cả các trang trí là thừa thãi. Và tất nhiên, tất cả những gì còn lại là không gian âm hoàn toàn và các yếu tố thiết yếu phải có trong thiết kế mà thôi.
Chủ nghĩa tối giản trong thiết kế cũng khác với nhiếp ảnh và nghệ thuật thị giác ở chỗ: về lý thuyết, Minimalism là một giải pháp để tối đa hóa chức năng. Trong nghệ thuật và nhiếp ảnh, cách tiếp cận tối giản chỉ là khái niệm.
Chủ nghĩa tối giản trong cuộc sống hàng ngày có thực sự tốt?
Trong những năm gần đây, việc áp dụng chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống hàng ngày đã trở nên thịnh hành, và đó là một cách tiếp cận được nhiều người ủng hộ. Marie Kondo là một trong số đó và cô đã bán thành công cuốn sách phương pháp Kon-Mari cho hơn 11 triệu người trên toàn thế giới.
Ở Mỹ, trung bình các hộ gia đình sở hữu hơn 300.000 thứ lặt vặt trong nhà. Phần lớn những thứ đó là vô ích và chỉ làm căn nhà trông lộn xộn hơn. Một số nhà phê bình Minimalism nói rằng khi nhiều người cố gắng đạt được phong cách tối giản, họ cũng đang tạo ra “hàng núi thứ vô ích” và trớ trêu thay, chúng ta cần phải mua thêm nhiều thứ để phù hợp với thẩm mỹ tối giản.
Các đồ vật có thể là nguồn cảm hứng, và nếu chúng ta loại bỏ những đồ vật đó ra khỏi cuộc sống của mình, thì khả năng sáng tạo đó có bị giảm đi không? Nhiều bộ óc sáng tạo vĩ đại đã được biết đến với sự bừa bộn ở nơi làm việc của họ như: nhạc sĩ Beethoven, nhà khoa học Einstein hay nữ nhà văn JK Rowling nổi tiếng là bừa bộn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng sự sự bừa bộn có thể khiến bộ não của chúng ta sáng tạo hơn.
Chủ nghĩa tối giản có phải là chủ quan không?
Với nghệ thuật, việc tận hưởng sự tối giản trong nhiếp ảnh là chủ quan. Tôi thích xem những bức ảnh có bố cục đơn giản, còn bạn thì không. Tôi có thể đánh giá cao về nghệ thuật và nhiếp ảnh tối giản nhưng không phải vì thế mà tôi không đánh giá cao về kỹ thuật trang trí công phu, kiến trúc trang trí và thiết kế cầu kỳ.
Tôi tin rằng việc tuân theo các nguyên tắc tối giản trong thiết kế, loại bỏ các vật trang trí và nghe theo lý thuyết hình thức phản ánh chức năng sẽ tạo ra sự xấu xí nhạt nhẽo đến khó tin. Vì vậy, trong kiến trúc, tôi thường có cảm xúc hơn khi lang thang qua một nhà thờ lớn, nhà thờ Hồi giáo, đền thờ hoặc cung điện được trang trí công phu hơn là đi dạo trên các hành lang của các dinh thự hiện đại.
Tôi thà nhìn đầu máy hơi nước từ những năm 1800 hơn là một chiếc tàu điện hiện đại. Tương tự, những chiếc xe hơi cổ điển có vẻ ngoài được trang trí công phu, trong khi sự đơn giản của hầu hết những chiếc xe hơi hiện đại ngày nay lại khiến tôi cảm thấy nhạt nhẽo khi nhìn vào.
Hơn nữa, tôi tin rằng vẻ đẹp của sự trang trí là một chức năng tự thân, do đó nên được đưa vào hình thức bên ngoài của đồ vật. Tôi thích sử dụng một chiếc máy ảnh tạo cảm hứng để sử dụng hơn là một cục nhựa không có hình dáng. Việc tuân thủ một cách máy móc lý thuyết “chức năng tuân theo hình thức” thường bỏ qua điều đó, nhưng đó là một khái niệm mà các nhà sản xuất máy ảnh đã nhận ra, với Hệ thống OM (Olympus), Fujifilm và với bản phát hành mới nhất của Nikon cũng đang bắt kịp xu thế.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của tôi về mặt thiết kế kiến trúc, việc loại bỏ các yếu tố thừa có thể giúp cải thiện một bức ảnh. Tính thẩm mỹ của một chủ thể đơn giản trong một không gian âm thường sẽ thu hút sự chú ý của tôi hơn. Còn bạn thì sao?
Bài viết tóm tắt về chủ nghĩa tối giản này là một quan điểm chủ quan, và vẫn sẽ có những ngoại lệ. Quan điểm của bạn về chủ nghĩa tối giản như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới bài viết này nhé.
Theo fstoppers.com