Tính năng Landscape Mixer vừa được ra mắt trên Photoshop
Photoshop đã trang bị một số bộ lọc hỗ trợ bởi AI trong thời gian vừa qua. Vừa mới đây, Adobe đã công bố vài chức năng mới, một số cực kỳ hữu dụng nhưng số còn lại… có lẽ là không đủ. Trong số đó có Landscape Mixer (Trình trộn phong cảnh), một công cụ để bạn kết hợp nhiều ảnh phong cảnh với nhau chỉ bằng một cú nhấp chuột. Phải chăng Adobe đã “quá tay” với chức năng này? Colin Smith của PhotoshopCAFE đã mô phỏng công cụ này trong video mới nhất của anh, hãy cùng xem chúng hoạt động như thế nào và có hoạt động tốt không nhé.
Landscape Mixer sử dụng công nghệ AI để biến đổi phong cảnh vốn có trở nên khác biệt hoàn toàn. Bạn có thể biến cảnh mùa hè thành mùa đông hoặc mùa thu; thêm thắt vào bức ảnh buổi chiều để mang lại cảm giác của golden hour và hơn thế nữa. Nếu có người hoặc các chủ thể khác trong bức ảnh, công cụ sẽ tự động tạo mặt nạ và làm cho chúng hài hòa vào tổng thể khung hình.
Hướng dẫn cách chỉnh sửa ảnh bằng Landscape Mixer
Trong video của Colin, bạn có thể thấy một vài ví dụ về cách công cụ này hoạt động. Khi bạn mở ảnh, hãy nhấn chọn Filter > Neural Filters và bấm vào Landscape Mixer trong cửa sổ bên phải. Đầu tiên bạn cần chọn ra cảnh quan mà bạn muốn trộn cùng bức ảnh của mình, sau đó tiến sâu hơn: tăng hoặc giảm hiệu ứng, thêm hoàng hôn vào bức ảnh, hoặc biến đổi hoàn toàn thành một mùa khác.
Đối với tôi, khi cập nhật Photoshop, tôi thậm chí còn không tò mò để thử công cụ này. Tôi cực kỳ yêu chức năng Chọn lọc chủ thể vừa được cải tiến và sử dụng nó một cách thường xuyên. Tôi cảm thấy nó cực kỳ hữu dụng trong quá trình làm thumbnail cho blog vì tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Nhưng sau khi tham khảo video của Colin về Landscape Mixer, tôi nghĩ mình cũng nên trải nghiệm thử một lần, chỉ để giết thời gian hay có tư liệu cho bài viết này mà thôi. Tôi chọn ngẫu hứng bức ảnh đầu tiên và xoay chuyển nó từ cảnh mùa hè sang mùa thu chỉ với một vài bước điều chỉnh tối thiểu. Thành công rồi đấy!
Một số hạn chế
Tuy nhiên, khi tôi chọn chỉnh sửa hình ảnh khác, kết quả tôi nhận được lại không có vẻ “thật”. Bạn nhìn thử bức ảnh này nhé. Tôi đã thử một loạt các điều chỉnh cho đến khi có được thành phẩm ưng ý.
Bây giờ cùng nhìn kỹ vào xem nào. Cái quái gì xảy ra với ngôi nhà thế này? Bất kể tôi có làm gì, tôi vẫn không thể khiến nó nhìn như bình thường được nữa.
Bức ảnh thứ ba là tệ nhất. Tôi đã tốn khá nhiều thời gian để thử nghiệm các hình ảnh khác nhau để trộn và điều chỉnh các thiết lập, nhưng không có cách nào làm cho thành phẩm nhìn như thật cả. Đây là bức ảnh “đỡ xấu” nhất mà tôi có thể.
Sau mỗi lần bạn cố gắng thử nghiệm, bạn có thể gửi phản hồi đến Adobe nếu bạn cảm thấy hài lòng với kết quả, và nếu không thì, tại sao vậy? Tôi tin rằng điều này sẽ giúp họ cài đặt thêm các thuật toán và làm cho công cụ chính xác hơn trong tương lai.
Nhưng kể cả khi thuật toán đã được cải thiện – lợi ích của chúng là gì? Ý tôi là, tôi hiểu rằng có thể rất thú vị khi sử dụng nó, nhưng trên quan điểm của tôi, đây mới chính là vấn đề. Tôi không nhìn nhận được giá trị thực của công cụ này trong nhiếp ảnh và chỉnh sửa hình ảnh. Tôi đã nhấn thích một bình luận trên video của Colin, ghi rằng:
“Nếu Photoshop cứ tiếp tục như thế này, có thể camera sẽ trở thành một phụ kiện tùy chọn. Có lẽ họ sẽ cài đặt vào một thư viện hình ảnh gốc và từ đó chúng ta có thể chỉnh sửa thành bất cứ thứ gì mà chúng ta muốn. Thậm chí chúng ta còn không cần phải rời khỏi nhà.”
Bình luận này tổng hợp được khá nhiều điều cho tôi. Trong nhiếp ảnh phong cảnh, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất chính là du ngoạn. Bạn cần ghé thăm và khám phá nhiều lần một địa điểm trong nhiều khoảng thời gian khác nhau trong ngày, mùa và điều kiện thời tiết, tự thân chụp ảnh, suy nghĩ về tổng thể bố cục,… Và bằng tất cả những điều đó, dành thời gian trong thiên nhiên và tận hưởng môi trường xung quanh. Trong suy nghĩ của tôi, những công cụ như thế này chỉ mang lại niềm vui ngắn ngủi, và chỉ như vậy mà thôi. Nếu bạn có cùng ý kiến, tôi rất mong được nghe điều đó từ bạn. Kể cả bạn không nghĩ vậy thì hãy cùng thảo luận bên dưới nhé!
Nguồn: diyphotography.net