Bên dưới những con phố của Tbilisi là một mạng lưới đường hầm, những căn phòng giam và hầm tránh bom có từ thời Liên Xô mà nhiều người dân địa phương không hề biết gì về nó. Trong nhiều tháng qua, nhiếp ảnh gia David Tabagari đã khám phá thế giới ngầm này với những bức ảnh phi thường.
Một phát hiện bất ngờ
Mùa xuân năm 2021, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp bắt đầu mạo hiểm khám phá các lối vào mà hầu hết người dân nơi đây không để ý. Những lối vào không quá nổi bật nhưng lại dẫn bạn đến một thế giới ngầm với những câu chuyện trong quá khứ cực kỳ bí ẩn.
Tabagari cho biết công việc hàng ngày của anh là làm việc cho Tòa thị chính của Tbilisi. Công việc này đã giúp ích cho anh phần nào trong việc tìm kiếm thông tin về nơi tồn tại các công trình của người Xô Viết dưới thời Tbilisi.
Tabagari cho biết anh ấy đã khám phá ra nơi này sau khi phát hiện ra các lỗ thông gió ra bên ngoài đường phố cũng như nhận được thông tin từ các thợ mỏ khác.
Các anh chàng thợ mỏ của Tbilisi là những người Gruzia ưa mạo hiểm, thường xuyên lui tới những không gian ngầm bí mật này và đôi khi còn chia sẻ những khám phá của họ trong các group trên mạng xã hội.
Có rất ít thông tin về việc xây dựng một thế giới ngầm của Tbilisi. Theo nhà báo địa phương kiêm học giả Emil Avdaliani, phần lớn mạng lưới ngầm được xây dựng bởi Lavrenty Beria – vị cảnh sát trưởng khét tiếng của Liên Xô thời bấy giờ. Beria cùng với tộc người Gruzia Josef Stalin đã giám sát và tham gia những cuộc đàn áp, thảm sát man rợ nhất trong thời kỳ Xô Viết.
Các lối đi dưới Tbilisi được cho là dẫn từ một trụ sở cảnh sát bí mật cũ đến ga xe lửa của thành phố. Điều này đã dấy lên một suy đoán rằng: một số đường hầm đã được sử dụng để vận chuyển tù nhân hoặc thi thể trong các cuộc “thanh trừng” được thực hiện dưới thời Stalin và Beria.
Vào mùa hè năm 2021, Tabagari đã đọc được một tin đồn trên các diễn đàn trực tuyến về một nhà tù dưới lòng đất ở trung tâm Tbilisi. Sau khi tìm kiếm online và đi bộ trong một khoảng thời gian khá lâu, cuối cùng anh ta đã tìm thấy phần còn lại của các phòng giam tù nhân bên dưới một đồn cảnh sát bí mật trước đây.
Không gian này chưa được ai biết đến, minh chứng là khi vị nhiếp ảnh gia này đã đi hỏi những thanh thiếu niên đang chơi bóng trong sân, không ai trong số họ nghe nói về không gian hoang tàn nằm ngay dưới chân họ. Tabagari nhớ lại và tả rằng: “Không hề có ánh sáng ở nơi này. Tôi đã rất khó khăn để đứng ở đó, nơi mà mọi người bị thương hoặc có thể đã bị giết. ”
Các không gian khác bên dưới mặt đất cũng đã được xây dựng để chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân. Tabagari cho biết: “Mỗi thành phố lớn ở Georgia đều có những nơi trú ẩn dưới lòng đất. Ngay cả dưới các nhà máy lớn, bệnh viện và các tòa nhà chính phủ, họ cũng có hầm trú bom của riêng mình.”
Nhiếp ảnh gia cho biết việc anh có mặt bên trong các hầm trú bom dưới lòng đất này đã khiến anh nhớ về sự căng thẳng của Chiến tranh Lạnh thời đó, khi thế giới sắp nổ ra những cuộc xung đột hạt nhân.
“Một số người đã sử dụng vật sắc nhọn để khắc tên của họ lên tường”, vị nhiếp ảnh gia nói. “Tôi được một số nhà sử học địa phương cho biết rằng có thể một số cái tên trên tường là của những người đã bị xử bắn. Trong những phòng giam này, bạn có thể nhìn thấy bộ mặt thật của Liên Xô.”
Giống như một thành phố nhỏ dưới lòng đất
Nhiếp ảnh gia Tabagari đã có cuộc nói chuyện với một số thợ mỏ từng bước vào thế giới ngầm của Tbilisi ngay sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Họ nói với anh ấy rằng: “Mọi thứ bên trong đều hoàn hảo. Có nước, có thức ăn, có máy phát điện và máy bơm không khí. Bạn hoàn toàn có thể ở dưới lòng đất trong vòng một tháng.”
Một trong những hầm trú bom mà Tabagari bắt gặp bên dưới Tbilisi có khoảng 150 phòng. Các nhiếp ảnh gia cho biết nơi trú ẩn “giống như một thành phố nhỏ bên dưới một thành phố lớn” có thể được niêm phong bằng những cánh cửa lớn bằng thép. “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì giống như vậy,” anh nói.
Mặc dù thế giới ngầm Tbilisi bí ẩn này có một sự thu hút không hề nhỏ đối với những người có trí tò mò, nhiếp ảnh gia Tabagari vẫn hy vọng rằng các địa điểm này sẽ được bảo tồn và giữ nguyên hiện trạng bởi chính quyền địa phương. “Nếu những nơi này trở nên nổi tiếng, nó sẽ bị phá hủy.” Tabagari nói.
Theo Petapixel