Trong hành trình tìm kiếm câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống, một nhiếp ảnh gia người New Delhi đã du ngoạn đến những khu vực hẻo lánh nhất của Ấn Độ để tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh siêu thực.
Hành trình đến với nhiếp ảnh siêu thực
Madhur Dhingra là một nhiếp ảnh gia nghệ thuật đường phố với phong cách chụp được kết tinh từ chủ nghĩa hiện thực mang hơi hướng siêu thực và trừu tượng, tận dụng các kỹ thuật chuyển động và xử lý hậu kỳ để đạt được hiệu ứng như tranh vẽ.
Ban đầu, Dhingra đến với nhiếp ảnh như một sở thích nhưng sau đó anh đã nhanh chóng phát triển các kỹ năng và kinh nghiệm thông qua quá trình học tập tại học viện nghệ thuật Triveni Kala Sangam – New Delhi, Ấn Độ.
Mặc dù con đường này hướng Dhingra đến một công việc thành công trong các công ty quảng cáo lớn trên khắp New Delhi, nhưng nhiếp ảnh trước hết là sự lấp đầy khoảng trống trong những năm đầu đời của anh. Dhingra sinh ra trong một gia đình bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947, với những đau khổ sau đó đã truyền qua nhiều thế hệ.
“Cuộc di cư khỏi mảnh đất tổ tiên Pakistan của tôi đột ngột và vội vã đến nỗi gia đình của tôi không còn lựa chọn nào khác là phải chạy trốn trong đêm và bỏ lại mọi thứ đằng sau.” Dhingra chia sẻ cùng PetaPixel. “Cha tôi chưa bao giờ được xem là thực sự hồi phục sau những vết thương mà Partition gây ra cho tâm lý của ông. Tuy rằng rất lâu sau đó tôi mới được sinh ra tại New Delhi, nhưng tôi vẫn thừa hưởng, hoặc nên nói là “được sinh ra để thừa hưởng” những nỗi bất an rất lớn từ cha mẹ và ông bà, những điều này vẫn tồn đọng trong tôi cho đến ngày nay.”
Dự án “Khoảng trống tột cùng”
Nỗi đau chất chồng này cùng với sự trống trải và bồn chồn, đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản thân Dhingra cũng như các tác phẩm nhiếp ảnh của anh, bao gồm một dự án gần đây nhất mang tên “Khoảng trống tột cùng” (The Ultimate Void). Là một người mang lối sống tâm linh, Dhingra sử dụng camera như một công cụ biểu đạt để giúp anh hiểu rõ thêm về thế giới chung quanh.
Dự án được đặt tên một cách khéo léo, mô tả hành trình của Dhingra trong công cuộc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản về cuộc sống, ý nghĩa của nó và mục đích của Dhingra. Thông qua các chuyến du ngoạn nhiếp ảnh khắp Ấn Độ, anh đã gặp gỡ “nhà hành khất, nhà sư, nhà triết học, nhà khoa học và lang băm tương tự nhau”.
Sau khi áp dụng phong cách nhiếp ảnh nghệ thuật cho những tác phẩm đường phố của mình, Dhingra hiện rất thích làm mờ một số phần trong bức ảnh, chẳng hạn như mặt, và tạo ra chuyển động có chủ ý trong camera. Đối với việc này, anh thích thử nghiệm với tốc độ màn trập thay đổi từ 1/10 giây cho đến 1/30 giây cho cả chuyển động camera theo chiều ngang và chiều dọc.
Quá trình xử lý hậu kỳ
Các hình ảnh được xử lý bằng brush, vết ố và hiệu ứng vẽ để tạo ra những gì mà Dhingra đã hình dung từ trước cho bức ảnh. Quá trình sáng tạo hoàn toàn dựa vào trực giác và Dhingra để bản thân xuôi theo dòng sáng tạo cho đến khi anh nhận ra đây là lúc nên dừng lại và không nhìn lại những hình ảnh đó trong một vài ngày.
Mặc dù có rất nhiều công việc cần được thực hiện trong quá trình xử lý hậu kỳ, Dhingra vốn đã cân nhắc ánh sáng và khoảng cách từ chủ thể trong giai đoạn chụp hình, tùy thuộc vào cảm giác mà anh muốn tạo thành cho bức ảnh.
“Tiếp cận rất gần với chủ thể là một phần không thể thiếu trong phong cách của tôi.” Dhingra giải thích. “Tôi không bao giờ có thể quên được câu nói của Robert Capa – ‘nếu bức ảnh của bạn chưa đủ tốt, có nghĩa rằng bạn tiếp cận chưa đủ gần.'”
“Ghi lại khoảnh khắc của những con người trên đường phố đã luôn hấp dẫn tôi. Những khuôn mặt xa lạ và vô danh đó cùng với những cảm xúc chưa được khai phá của họ đã thu hút tôi đến tận cốt tủy. Tiếp cận mỗi lúc một gần hơn với sự hỗn loạn trên đường phố Ấn Độ cho đến khi bản thân tôi trở thành một phần của mớ hổ lốn mà tôi muốn chụp, đã thôi thúc tôi ghi lại những hình ảnh đáng nhớ nhất của mình.”
Về dự án của Dhingra, anh đã ghé thăm những địa điểm mang tính lịch sử nằm ở các vùng hẻo lánh tại dãy Himalaya Ấn Độ, chẳng hạn như các tu viện Phật giáo cổ xưa có niên đại hơn 3000 năm. Di chuyển đến các vùng cao và những khu vực không thể tiếp cận đồng nghĩa với việc Dhingra phải sắp xếp túi thiết bị của mình nhẹ nhất có thể, chỉ chụp bằng Canon 6D và Canon 5D Mark II và để chiếc Mamiya RZ57 khổ trung bình ở nhà.
“Khoảng trống tột cùng” là tác phẩm đầu tiên trong series mười câu chuyện mà Dhingra đang thực hiện xuyên suốt những vùng miền khác nhau tại Ấn Độ. Bạn có thể xem những tác phẩm khác của anh trên website.
Nguồn: petapixel.com