Bạn đã bao giờ muốn tự mình tạo nên những ảnh chụp dòng chảy mực ngay tại nhà chưa? Sau đây tôi sẽ hướng dẫn một số bước đơn giản để bạn có thể tạo nên một tác phẩm với dòng chảy mực cực chất mà chỉ cần một hồ cá giá rẻ và một lọ mực hoặc sơn. Khi sơn hòa vào dòng nước, vô số hình thù độc đáo sẽ được tạo thành để ngay tại thời điểm bạn dùng máy ảnh chụp lại, chúng sẽ biến thành những tác phẩm điêu khắc dưới nước hư ảo nhất.
Chụp ảnh dòng chảy mực bao gồm việc đổ mực, sơn hoặc bất kỳ hỗn hợp màu nào vào dòng nước nhằm mục đích ghi lại các hình dạng và kết cấu của chất lỏng đó. Khi thiết lập đúng cách cùng ánh sáng đẹp, các nết gấp mang hình dạng phức tạp sẽ được tạo thành khi dòng mực chảy ra. Bắt lại khoảnh khắc này với thời gian tách giây sẽ khiến dòng mực trông như một tác phẩm điêu khắc nguyên khối chứ không chỉ đơn thuần là một dòng chất lỏng.
Có 10 bước quan trọng để đảm bảo rằng bạn đã tối đa hóa cơ hội tạo nên những bức ảnh với dòng mực đẹp. Bao gồm việc chọn được bể nước phù hợp, chuẩn bị và làm sạch bể nước, sử dụng đúng loại mực hoặc sơn và trộn lẫn độ nhớt. Ngoài ra, cần có sự cân bằng tỉ mỉ giữa ánh sáng ngoài máy ảnh và tuân thủ thông số thiết lập của máy ảnh để đạt được phần đổ bóng và kết cấu tối ưu nhất.
May mắn rằng bạn có thể thực hiện tất cả điều này tại nhà và quá trình khá đơn giản. Để chứng minh điều này, tôi đã mua một bể nước có giá $20 đặt tại phòng khách của mình và một bình sơn $1, cùng bắt đầu thôi nào.
Set up bể
Giai đoạn quan trọng nhất của quá trình này chính là chọn đúng loại bể và chuẩn bị nó một cách chỉn chu. Loại bể tốt nhất mà bạn nên sử dụng là bể thủy tinh hoặc các ô phẳng vì ô phẳng sẽ ít làm biến dạng hình ảnh và giảm thiểu khả năng quang sai màu cũng như làm hình ảnh trở nên mềm mại hơn. Bên cạnh đó, nhựa không có độ trong suốt như thủy tinh, điều này sẽ dẫn đến vẩn đục cho hình ảnh thành phẩm. Chưa kể đến việc nhựa sẽ đổi màu theo thời gian (tuy nhiên tôi không chắc liệu có loại bể nhựa nào trên thị trường có thể hoạt động tốt hay không, nhưng đối với kinh nghiệm của tôi thì bể thủy tinh luôn tốt hơn).
Khi đã đổ nước vào, bạn sẽ cần sử dụng một dụng cụ nào đó như chổi cao su để loại bỏ tất cả các bọt khí xuất hiện bên thành của bể thủy tinh. Hãy chắc chắn rằng bạn dựng tất cả trên một khu vực mà bạn không sợ nó sẽ bị ướt, tốt nhất là gần vòi nước hoặc bồn rửa. Ngoài ra, đặt một tấm bảng trắng hoặc có phông nền rõ ràng, đơn giản ở phía sau bể nước. Bạn có thể chọn lựa bất kỳ màu sắc nào, nhưng tôi nghiêng về màu trắng vì chúng sẽ góp phần phản xạ ánh sáng vào trong khung hình.
Không có bể nước ư? Không sao cả. Chỉ cần sử dụng một chiếc ly bạn thường dùng để rót nước sôi và làm một tách trà. Ủ trong vào giây cho đến khi nước chuyển sang màu nâu sáng, sau đó chậm rãi đổ một ít sữa vào. Chụp lại mặt trên hoặc mặt bên của chiếc ly để nhìn thấy rõ động lực học của chất lỏng.
Chọn sơn hoặc mực
Tuy thường gọi là ảnh chụp dòng chảy mực nhưng trên thực tế, có rất nhiều loại chất lỏng khác có khả năng phối hợp tốt trong thể loại nhiếp ảnh này. Mực, cũng như sơn hay kể cả màu thực phẩm hòa cùng glycerin, có thể tạo ra các hiệu ứng gợi nên liên tưởng. Tuy nhiên, mấu chốt để chinh phục những dòng chảy chính ở độ nhớt của loại mực mà bạn đang sử dụng. Bạn có thể làm mực trở nên nhầy bằng cách trộn chúng vào chất làm đặc như glycerin nếu bạn muốn dòng chảy bám vào nhau tốt hơn, nhưng hãy thêm nước vào hỗn hợp nếu bạn muốn mực và nước thêm phần hòa quyện.
Tôi thích sử dụng ống tiêm để bơm mực vào nước ngay dưới bề mặt để dòng chảy được rõ ràng. Nếu tôi tiêm từ bên trên, bề mặt nước dường như trải dòng mực ra phạm vi quá rộng trước khi chìm xuống và hình dạng trở nên vô định hình. Tôi thường dán ống tiêm vào một miếng gỗ nằm trên đỉnh bể. Nếu bạn không có ống tiêm, hãy cắt phần trên của cái chai, lật ngược lại và treo nó lên bằng băng dính hoặc dây thừng theo cách tương tư, với phần mở nằm ngay bên dưới bề mặt nước.
Độ sáng lý tưởng
Ánh sáng tạo ra sự khác biệt rất lớn khi chụp ảnh dòng chảy mực. Bạn có thể sử dụng đèn chiếu sáng liên tục như đèn LED hoặc đèn pin, nhưng rất khó để có thể đóng băng chuyển động của dòng mực nếu bạn chụp liên tục vì ánh đèn thường không đủ sáng để đạt được tốc độ màn trập đủ nhanh.
Thay vào đó, tôi thường sử dụng một hoặc hai đèn chớp với bộ kích hoạt không dây. Tôi đặt chúng ở hai bên của bể nước và hướng chúng vào trung tâm để có ánh sáng bên cạnh. Tôi thích gắn cờ các đèn chớp ở bên máy ảnh để từ đó các bức ảnh của tôi không bị lóa vì máy ảnh thường đặt khá gần với bể nước.
Đặt bố cục cho bức ảnh
Đặt máy ảnh trên tripod và sử dụng ống kính tiêu chuẩn 50mm hoặc loại tương tự để chụp – bạn có lẽ không cần ống kính macro vì dòng chảy mực thường có kích thước khá lớn so với các chủ thể macro. Đừng bao giờ chụp quá gần vào bể nước, đặc biệt là khi bể của bạn có vẻ nhỏ. Mặc dù lấp đầy khung hình với chủ thể thường là một ý tưởng hay để tối đa hóa chi tiết trong hình ảnh, nhưng tốt hơn là bạn nên thể hiện phần lớn cả bể nước vào khung hình (nhưng không phải toàn bộ).
Đó là bởi khi bạn đổ mực vào nước, chúng sẽ bị chảy ra bên ngoài, làm đầy bể từ phía bên và cuối cùng là hoàn thiện lớp màu của phần nước bên trong. Bằng cách chụp rộng hơn mức yêu cầu, bạn có thể chọn ra nhiều bức ảnh hơn sau đó trong quá trình chỉnh sửa, cắt xén ở những chỗ cần thiết để cho ra bố cục hoàn hảo.
Lấy nét
Bây giờ máy ảnh đã được đặt đúng vị trí và nơi đổ nước vào đã được xác định, tôi thường đặt một chiếc muỗng hoặc đũa gỗ nơi đầu ống tiêm hoặc đầu chai đi vào nước. Tôi sử dụng Chế độ xem trực tiếp ở phía sau của máy ảnh và lấy nét thủ công vào chiếc muỗng, sau đó ngắt lấy nét tự động để duy trì xuyên suốt độ sắc nét cho bức ảnh.
Điều chỉnh cài đặt máy ảnh phù hợp
Để tạo ra dòng chảy mực quen thuộc, có một số cài đặt chính mà bạn cần thực hiện. Độ sâu trường ảnh cần phải đủ dài để toàn bộ dòng mực được sắc nét, vì vậy khẩu độ trong khoảng f/5.8 cho đến f/8 là lý tưởng đối với ống kính 50mm. Đồng bộ hóa tốc độ cửa trập với đèn flash nếu bạn sử dụng chúng, thường là 1/250 giây. Tôi đặt ISO càng thấp càng tốt (thường trong khoảng ISO100) sau đó giảm nhẹ công suất đèn flash để đạt được độ phơi sáng cân bằng.
Chuyển máy ảnh sang chế độ chụp liên tục để chụp lại được nhiều ảnh chỉ trong một lần đổ mực. Nếu bạn nhận thấy đèn flash không có đủ thời gian tái tạo để hoàn tất quá trình chụp ảnh, hãy tắt nguồn và tăng độ nhạy ISO của máy ảnh để bù đắp lại.
Sử dụng thiết bị điều khiển tốc độ cửa trập từ xa
Đổ mực và chụp từ máy ảnh trong cùng một lúc có vẻ rất khó khăn nếu như bạn thực hiện tất cả một mình. Trong trường hợp này, bạn nên đầu tư một bộ nhả cửa trập từ xa. Chúng tương đối rẻ đối với kiểu máy cơ bản và sẽ giúp bạn kích hoạt máy ảnh ở khoảng cách xa trong khi đổ mực vào bể mức. Tôi nhận thấy cách làm này tốt hơn chế độ hẹn giờ hay tạm dừng phơi sáng vì tôi có thể xác định chính xác khi nào và thời lượng mà màn trập hoạt động.
Dọn trống và làm sạch bể nước
Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất trong toàn bộ quá trình, đặc biệt là khi bạn đã thiết lập xong máy ảnh và đèn. Sau khi đổ đầy mực, bể nước sẽ bị che khuất và bạn cần phải làm sạch nó trước khi chụp lại một lần nữa. Chúng sẽ rất nặng khi đầy nước, vì vậy hãy cẩn thận trong lúc dọn dẹp (đây là lý do vì do bạn nên set up gần bồn nước). Lau sạch lòng bể một lần nữa, vì một số loại sơn có thể sẽ vẫn bám vào kính và xuất hiện trong khung hình khi đổ nước lại.
Bấm chụp từ sớm và tiếp tục chụp để làm rõ hình dạng của dòng mực
Bắt đầu nhấn chụp ngay khi dòng mực bắt đầu hòa vào nước và giữ thao tác nhả cửa trập liên tục khi dòng mực tỏa ra. Bạn sẽ nhận được vô số bức ảnh với từng cảm nhận khác nhau khi dòng chảy mực thay đổi hình dạng liên tục trong làn nước. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận thấy rằng tốc độ của bộ nhớ đệm hoặc thẻ nhớ máy ảnh bị chậm lại làm cho các bức ảnh bị treo trong lúc chờ dòng chảy được rõ ràng – điều này có nghĩa là bạn sẽ có được rất nhiều ảnh trong lúc vừa bắt đầu thực hiện nhưng sẽ bỏ lỡ tất cả các khoảnh khắc sau đó. Nếu bạn đang gặp phải sự cố này, hãy chụp từng loạt ảnh nhỏ thay vì giữ nút nhả liên tục.
Khi mực hoặc sơn hòa vào dòng nước, chúng sẽ tiếp tục nở bung ra thành nhiều hình dáng khác nhau, bạn có thể thử từ hai đến ba lần trước khi nước quá đục.
Thử nghiệm nhiều màu sắc khác nhau
Khi bạn đã hoàn thành một số bức ảnh và tạo nên được vài dòng chảy mực mang hình thù đẹp, hãy thử nghiệm thêm nhiều màu sắc khác hay thậm chí là đổi nhiều loại mực chỉ trong một lần. Trộn lẫn các màu sắc để bổ sung hoặc tương phản lẫn nhau. Xanh dương và hồng, vàng và đỏ hoặc xanh và đỏ đều có thể kết hợp rất tốt. Đổ sơn từ các phía khác nhau sẽ làm cho cả hai màu được thể hiện toàn vẹn trong dòng chảy.
Mẹo đi kèm: Xử lý hậu kỳ
Mặc dù bài hướng dẫn này không nói sâu về quá trình xử lý hậu kỳ, bạn cũng nên lưu ý rằng các thanh trượt điều chỉnh trắng đen trong phần mềm chỉnh sửa hình ảnh có thể giúp bạn mở rộng phạm vi động và cải thiện độ tương phản. Loại bỏ các bọt bong bóng nhỏ bằng healing brush tool cũng rất ổn để làm gọn gàng ảnh thành phẩm. Xoay ngược chiều bức ảnh có thể làm cho dòng chảy mực trông như một bức tượng thẳng đứng, và đó là cách hình ảnh được chỉnh sửa.
Nguồn: petapixel.com