Luật bản quyền và những điều cần biết
Trong những năm vừa qua, luật bản quyền đã được thắt chặt hơn rất nhiều, và trong nhiều trường hợp, ngành công nghiệp nhiếp ảnh đã trở thành trung tâm của sự chú ý. Đầu tiên, Goldman đã kiện trang Breitbart News và nhóm cộng sự, tiếp đến là vụ kiện giữa McGucken và Newsweek, và gần đây nhất, chính là vụ kiện của Sinclair được mở lại. Những sự kiện gây xôn xao dư luận đã thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng về các khía cạnh của luật bản quyền trong thời đại truyền thông số, và đây cũng là lời nhắc nhở đến các nhiếp ảnh gia về tầm quan trọng của việc bảo vệ tác quyền của họ.
Đồng thời, những quan niệm thường bị nhầm lẫn về luật bản quyền vẫn còn tồn tại và đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến các nhiếp ảnh gia. Chúng tôi đã liên hệ Leslie Burns, Esq. – một luật sư chuyên làm việc cùng các nhiếp ảnh gia và những cá nhân hoạt động trong ngành công nghiệp sáng tạo – để nhờ tư vấn những điều mà các nhiếp ảnh gia cần biết về quyền lợi, trách nhiệm và lựa chọn của họ trong thời đại ngày nay. Cô ấy đã rất tận tâm và đã chia sẻ cho chúng tôi một số mẹo vặt để hiểu sâu hơn về luật và cách bảo vệ tác quyền.
Lưu ý: Bài viết chỉ tính chất tham khảo và không mang mục đích hướng dẫn pháp lý cụ thể. Nếu bạn cần tư vấn pháp luật, hãy liên hệ trực tiếp với luật sư.
Bạn sở hữu quyền tác giả cho những tác phẩm của mình trừ khi bạn ký kết từ bỏ quyền
Trên cương vị là một nhiếp ảnh gia, bạn sở hữu tác quyền đối với tác phẩm của mình, bất kể bạn đã đăng ký quyền bảo hộ hay chưa, trừ khi bạn ký kết vào hợp đồng nói rằng bạn từ bỏ quyền. “Miễn là tác phẩm của nhiếp ảnh gia không phải là một phần trong hợp đồng công việc đã ký kết, thì “tác giả” và chủ sở hữu của tác phẩm, tính từ lúc tác phẩm vừa được hình thành, chính là nhiếp ảnh gia.” – Theo Burns.
“Một điều ngoại lệ chính là khi một nhiếp ảnh gia kí kết văn bản đồng ý tác phẩm là “tác phẩm được tạo ra để xin việc”. Đây là điều cần được làm rõ trước khi tác phẩm được tạo ra và có hiệu lực (và phải giả sử tác phẩm có đủ điều kiện để trở thành một tác phẩm được nghiệm thu, vì có nhiều quy tắc hơn trong vấn đề này). Đối với việc chuyển giao bản quyền (hay còn gọi là “chuyển nhượng”), văn bản phải được ký kết, nhưng có thể diễn ra sau khi tác phẩm được hoàn thiện.”
Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi kí kết bãi bỏ quyền tác giả của mình, hãy đọc kỹ các điều khoản. Xem lại đầy đủ tất cả các hợp đồng và thỏa thuận để chắc chắn rằng bạn hiểu rõ những gì bạn đã ký.
Một số mẹo để tránh gặp rắc rối trong quá trình làm việc
Đăng ký tác quyền cho bản thân bạn
Bạn không cần đăng ký tác quyền những bức ảnh với Văn phòng Bản quyền, nhưng nếu có thể thì đây là một ý kiến hay. “Việc đăng ký tác quyền là hoàn toàn do bạn lựa chọn, nhưng đây là phần bảo hiểm rẻ nhất mà bạn có thể mua được.” Burns giải thích. “Đăng ký tác quyền phục vụ cho nhiều mục đích, nhưng điều quan trọng nhất chính là bạn không thể đệ đơn kiện vi phạm bản quyền nếu trong tay không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh bạn sở hữu bản quyền. Việc đăng ký bản quyền kịp thời đồng nghĩa với việc (chắc chắn rằng) bạn sẽ được bồi thường theo quy định và (có thể) được hỗ trợ chi phí luật sư nếu bạn tiến hành kiện tụng hành vi vi phạm bản quyền. Điều này sẽ giúp vị thế của bạn trở nên vững vàng hơn trong các cuộc thương lượng với bên vi phạm trước khi bạn quyết định nộp đơn kiện.
“Nếu bạn không đăng ký kịp thời, quyền lợi của bạn sẽ bị giới hạn trong “thiệt hại thực tế”, thường là phí cấp lại giấy phép, nếu bạn có thể chứng minh chúng, hoặc không thì tỷ lệ giấy phép sẽ đồng dạng theo giá trị thị trường hợp lý, điều này là hoàn toàn vô nghĩa vì có rất nhiều người mất quyền cho tác phẩm của họ và chẳng nhận lại được lợi ích gì. Việc thương lượng một cuộc dàn xếp luôn tốt hơn là khởi kiện, và nếu bạn đăng ký kịp thời, thì việc thương lượng hiệu quả có khả năng cao hơn và mang đến nhiều lợi ích hơn.”
Bạn có thể nhận thấy Burns liên tục nhấn mạnh từ “kịp thời”, vì ở đây nó chiếm một phần chủ chốt. Bạn phải đăng ký quyền với tác phẩm trước khi bất kỳ hành vi vi phạm nào xảy ra hoặc trong vòng ba tháng kể từ khi bạn xuất bản tác phẩm lần đầu tiên (theo quy định của pháp luật). Hay nói cách khác, không phải lúc nào bạn cũng có thể nộp đơn sau khi bạn nhận ra có ai đó đã ăn cắp tác phẩm của bạn và mong muốn được bồi thường theo quy định của pháp luật; mọi thứ cần phải được hoành thành trước khi bất kì vi phạm nào diễn ra hoặc ba tháng sau khi đăng ký bản quyền.
“Nếu tác phẩm của bạn có thể được dễ dàng tìm thấy trên mạng thì cuối cùng bạn vẫn sẽ bị tổn hại.” Burns cho biết. “Bạn có thể đăng ký tối đa 750 bức ảnh chỉ với $55 và nếu bạn đăng ký kịp thời, chỉ một vi phạm trong số 750 bức ảnh đó sẽ có giá ít nhất $750 (thiệt hại tối thiểu theo pháp luật). Việc tính toán này hoàn toàn có lợi cho bạn. Đăng ký tác quyền cho tác phẩm của bạn là cái giá phải trả trong kinh doanh tựa như cấp phép cho Photoshop hay mua một chiếc máy ảnh mới vậy.”
“Khi đăng ký bản quyền cho tác phẩm, hãy sao lưu mọi thứ mà bạn đã gửi lên Văn Phòng bản quyền, và khi bạn đã có chứng nhận, hãy sắp xếp tất cả vào trong một thư mục. Những người vi phạm bản quyền và luật sư luôn muốn xem những bản sao lưu của các tác phẩm mà bạn nộp lên Văn phòng – bằng cách này bạn sẽ có thể đưa ra các bằng chứng một cách dễ dàng hơn.
Thêm một lưu ý về bản quyền trong tác phẩm
“Bên cạnh việc đăng ký tác quyền cho các bức ảnh, một điều tốt nhất mà nhiếp ảnh gia có thể làm chính là thêm watermark trong suốt cho từng tác phẩm, tốt nhất là watermark dưới dạng một thông báo bản quyền chỉn chu (ví dụ: © + năm xuất bản lần đầu + tên nhiếp ảnh gia, như ©2020 Leslie Burns),” Burns nhấn mạnh. “Tiếp theo là đặt lưu ý bản quyền ngay bên cạnh tác phẩm bất kể khi nào bạn đăng tải trực tuyến, đặc biệt là trang web của riêng bạn. Kế đến bạn có thể sử dụng watermark chỉ bao gồm tên hoặc thông tin nhận dạng khác.
“Việc sử dụng thông báo bản quyền là điều không cần thiết về mặt pháp lý, nhưng nếu được sử dụng đúng cách, nó sẽ mang lại lợi ích cực kỳ to lớn. Cụ thể là người vi phạm không thể nói rằng “vi phạm vô tội” (innocent infringement) để bào chữa khi tác phẩm của bạn được công bố công khai với thông báo bản quyền đầy đủ. Đồng thời, nếu một người vi phạm bỏ qua thông báo tác quyền, điều đó đã đủ để kết tội về mặt pháp lý một cách có chủ ý, tăng thiệt hại theo luật lệ ban hành (giả sử các tác phẩm được đăng ký kịp thời). Nhân tiện, một trang thông báo bản quyền / trang điều luật được tách biệt không giống với việc đặt thông báo trên hoặc ngay bên cạnh tác phẩm – chắc chắn rằng sẽ tốt hơn khi đặt thông báo ở trên / kề bên tác phẩm”
Một phần của Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) có thể giúp ích cho bạn nếu có ai đó xóa watermark của bạn khỏi tác phẩm. “Nếu bạn sử dụng một watermark với chức năng nhận dạng bạn là chủ sở hữu bản quyền hoặc bạn đăng tải tên hay thông báo tác quyền ngay bên cạnh tác phẩm của mình, watermark / dòng ghi chú nguồn đó được gọi là Copyright Management Information (CMI),” Burns cho biết thêm. “Nếu có ai đó sao chép tác phẩm của bạn và thêm bớt, thay đổi, cắt xén hay xóa CMI, thì đó là hành vi vi phạm DMCA và gây ra thiệt hại theo luật hiện hành với $2500 cho đến $25,000 đối với mỗi vi phạm, có thể cộng thêm phí luật sư.
“Nếu như họ thêm watermark hay tự nhận bản quyền là của họ thì đây hoàn toàn là một vi phạm khác! Điều tuyệt vời nhất là những thiệt hại đó đã xảy ra bất kể bạn đã đăng ký tác quyền cho tác phẩm hay chưa. Cho nên có thể nói rằng (hiện tại) bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đăng ký quyền tác giả, nhưng bạn có đặt watermark lên tác phẩm và ai đó đã đánh cắp sau đó xóa bỏ watermark của bạn, đăng tải lên nền tảng của họ và tự nhận sở hữu tất cả những nội dung trên nền tảng đó – trường hợp này có khả năng sẽ cần đến luật sư tiếp quản do các yêu cầu của CMI.”
Lưu ý về việc làm thế nào và những nơi bạn đã chia sẻ tác phẩm của mình
Những trường hợp như tái khởi kiện của Sinclair xoay quanh việc họ nghi ngờ một ấn phẩm hay thương hiệu xâm phạm tác quyền của họ bằng cách nhúng các hình ảnh đã đăng ký bản quyền trên mạng xã hội khác, và cho đến thời điểm hiện tại, các điều luật về vấn đề này vẫn chưa được vạch ra rõ ràng. Bằng cách này hay cách khác, hãy chắc chắn rằng bạn đã đọc và hiểu rõ Điều khoản dịch vụ khi bạn chia sẻ những tác phẩm của mình trực tuyến.
“Một khía cạnh khác của mạng xã hội, đại khái chính là các quy định được đề ra xung quanh các điều khoản dịch vụ mà nhiếp ảnh gia phải chấp thuận với nền tảng thật sự rất khó hiểu.” Burns cho biết. “Vì nhiều lý do, tôi không ủng hộ việc sử dụng Facebook/Instagram, nhưng đối với các nhiếp ảnh gia, một trong những lý do lớn nhất chính là bạn cấp phép quá rộng cho những công ty này. Trên giấy tờ, họ có thể làm khá nhiều việc mà họ muốn đối với tác phẩm của bạn, bao gồm cả việc cấp phép nó cho người khác mà không hề trả cho bạn một đồng một chữ nào.”
Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn không nên quảng cáo các tác phẩm mình trên các nền tảng trực tuyến; chỉ cần bạn hãy chú ý đến cách thức, địa điểm và làm thế nào để bạn chia sẻ chúng.
Phải làm gì khi ai đó đánh cắp tác phẩm của bạn
Thu thập chứng cứ
Nếu có ai đó sử dụng hình ảnh của bạn mà không có sự cho phép, đừng hoảng loạn. “Điều đầu tiên bạn cần làm chính là thu thập càng nhiều bằng chứng càng tốt,” Burns cho biết. Cô có một bài viết về cách thực hiện việc này đăng tải trên website, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng cách chụp màn hình của người vi phạm. “Bao gồm cả nơi bức ảnh được đăng tải trên server của người vi phạm, tìm hiểu metadata của ảnh vi phạm để xem ảnh của bạn có còn trên server hay không và lưu lại website vi phạm trên archive.org.”
“Và nếu như bạn chưa đăng ký bản quyền cho tác phẩm, hãy kiểm tra ngày tháng – nếu chỉ trong vòng ba tháng kể từ khi bạn xuất bản tác phẩm lần đầu tiên, hãy đi đăng ký ngay lập tức, và giờ đây bạn đã có tác quyền kịp thời rồi đấy!”
Hít một hơi thật sâu
“Sai lầm lớn nhất chính là trở nên quá hấp tấp.” Burns giải thích. “Thật tệ khi thấy tác phẩm của bạn bị một số công ty sử dụng để quảng bá sản phẩm của họ, nhưng nếu như bạn lập tức gửi mail hay gọi đến bên vi phạm, hoặc tệ hơn là la lối vào mặt họ, bạn sẽ không đạt được bất kỳ điều gì hữu ích cả. Cho dù là chửi mắng họ hay bêu rếu trên các trang mạng xã hội – đừng làm vậy.”
Những bước hành động đầu tiên của bạn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình kiện tụng ở tương lai – lấy ví dụ, nếu bạn yêu cầu một khoảng tiền như là phí thanh toán, số tiền đó có thể sẽ được chấp nhận tại phiên tòa và hạn chế những tổn thất tiềm năng của bạn – vì thế hãy giữ cho mình một cái đầu lạnh.
Khảo sát những lựa chọn của bạn
Một tin tốt ở đây chính là bạn có quyền được lựa chọn – có thể nói là rất nhiều.
Có thể bạn đã từng nghe đến “thông báo gỡ xuống” (takedown notice), đây là một phần của DMCA, có thể được chuẩn bị và gửi đến nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) trong trường hợp tác phẩm bị đánh cắp. ISP không chịu trách nhiệm pháp lý về vi phạm tác quyền trên dịch vụ của họ nếu họ không tự vi phạm (ví dụ như một bên thứ ba đã đăng tải tác phẩm của bạn mà chưa có sự cho phép), nhưng họ phải có một đại diện đã đăng ký bản quyền để nhận thông báo gỡ xuống từ chủ sở hữu tác phẩm trong những trường hợp này.
Burns cho hay: “Chủ sở hữu tác phẩm có thể gửi thông báo gỡ xuống một cách thích đáng, bao gồm cả việc tuyên thệ sẽ chấp nhận hình phạt nếu khai man đối với các xác nhận trong thông báo, nhằm xóa các tác phẩm khỏi các mục đích sử dụng của bên thứ ba. Khi bạn gửi một thông báo gỡ xuống và ISP đã tháo bỏ tác phẩm của bạn, bạn không thể kiện ISP đã vi phạm, nhưng bạn vẫn có thể kiện người dùng / bên thứ ba đã đăng tải tác phẩm đó lên ISP.”
Gửi một thông báo gỡ xuống DMCA là một sự lựa chọn, và quả thực là một lựa chọn tốt, nhưng Burns khuyên bạn cũng nên cân nhắc các lựa chọn một cách cẩn thận. Lấy ví dụ, bạn có thể yêu cầu dẫn nguồn hoặc lập thỏa thuận cấp phép, nếu đây là cơ hội để bạn thu hút thêm khách hàng mới trong quá trình làm việc.
“Đừng ngay lập tức gửi thông báo gỡ xuống,” Burns chia sẻ. “Thay vào đó, hãy nghĩ xem bạn muốn gì để thoát khỏi tình hình này. Những điều bạn mong muốn sẽ dẫn dắt bạn đến bước tiếp theo. Lấy ví dụ, đây có thể là một tổ chức từ thiện mà bạn rất thích và vì thế bạn không cần tiền, thay vào đó, bạn muốn được liệt kê trong danh sách đợt tới rằng đã đóng góp cho tổ chức quyền sử dụng bức ảnh – từ đó bạn có thể tiếp cận họ một cách nhẹ nhàng bằng lời đề nghị này.
“Hoặc chăng bạn muốn kiếm được nhiều tiền nhất có thể (việc này không hề sai trái gì cả), trong trường hợp đó, cách tốt nhất là liên hệ với luật sư để xử lý các vấn đề này, và có rất nhiều người trong chúng tôi sẽ giúp bạn trên cơ sở phí dự phòng, đặc biệt là khi tác phẩm đã được đăng ký bản quyền. Trong hầu hết các trường hợp, bạn có ba năm kể từ khi phát hiện ra hành vi vi phạm để khởi kiện, vì vậy bạn không cần phải vội vàng để đưa ra một sự lựa chọn tồi khi phát hiện ra vi phạm.”
Tham khảo ý kiến từ luật sư
Có một số “bước tiếp theo” mà bạn có thể tự làm – ví dụ như chuẩn bị một lá thư ngừng hoạt động và hủy bỏ – nhưng tốt nhất bạn nên tham khảo từ chuyên gia trong những trường hợp này để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ chính bản thân bạn trong tương lai. “Nếu bạn không thể chắc chắn bản thân cần phải làm gì khi thấy tác phẩm của mình bị sử dụng mà chưa có sự cho phép, hãy nhờ luật sư tư vấn về bản quyền thay vì chỉ gửi một thông báo gỡ xuống,”
“Có một lý do giải thích tại sao chúng tôi là những chuyên gia được cấp phép – bởi vì quy trình này rất phức tạp và nó có những mặt trái rất tồi tệ. Tôi lấy ví dụ, nếu bạn đệ đơn và thua kiện, bạn có thể phải trả phí luật sư cho bên kia và số tiền lên đến 5 chữ số, kể cả khi những vụ kiện đó được bãi bỏ ngay lập tức (và nhiều hơn nữa trong quá trình xử lý). Một luật sư giỏi sẽ tư vấn cho bạn những rủi ro mà bạn cần đối mặt cũng như điểm mạnh – điểm yếu của bạn trong vụ kiện, và họ sẽ giúp bạn quyết định phương hướng hành động tốt nhất trong tình huống cụ thể đó.”
Những vấn đề thế này diễn ra thường xuyên và không phải lúc nào cũng cần tốn một khoảng tiền lớn để giải quyết. “Tỷ lệ khiếu nại bản quyền từng được nộp (hoặc nên được nộp) là rất nhỏ… có thể nói là vô cùng nhỏ. Ít hơn cả 1% của rất nhỏ,” Burns cho biết. “Mặc dù có một số luật sư tự quảng cáo rằng họ đã đệ trình rất nhiều trường hợp vi phạm, nhưng đó không phải là phương pháp hay nhất và các thẩm phán sẽ nhận thấy — thay vào đó, hầu hết chúng tôi tập trung giải quyết các vấn đề vi phạm thông qua các cuộc đàm phán giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho mọi người. Vi phạm tác quyền là trách nhiệm pháp lý nghiêm ngặt — người vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý ngay cả khi không cố ý — vì vậy khi bị bắt quả tang, đa số sẽ muốn giải quyết êm xuôi.
“Ngoài ra, ngay cả khi một trường hợp vi phạm hình ảnh được đệ trình, nó hầu như luôn được giải quyết một cách êm đẹp, thường là ngay sau khi nộp đơn, vì vậy chi phí không quá lớn và một số có thể được góp nhặt nếu bạn thắng kiện. Ngày càng có nhiều khu vực nhấn mạnh vào việc hòa giải hoặc các chương trình giải quyết tranh chấp thay thế trong quá trình này, và những chương trình này cũng khuyến khích việc giải quyết êm xuôi.”
Các trường hợp bản quyền sắp được xét xử mà bạn từng biết không phải là tiêu chuẩn; họ là ngoại lệ. Trong thời đại mà tranh ảnh có thể bị sao chép và dán ở bất cứ đâu vào bất kỳ lúc nào, việc đăng ký tác quyền và bảo vệ các nền tảng của bạn nên là một phần thường xuyên trong quá trình điều hành kinh doanh, và cũng thật dễ dàng để bắt đầu. Để biết thêm thông tin, hãy xem trang của the Burns the Attorney, nơi này có rất nhiều bài báo và thông tin về luật bản quyền và nó có liên hệ thế nào đến các nhiếp ảnh gia.
Nguồn: https://iso.500px.com/