Vivian Maier là ai và vì sao không ai biết đến tác phẩm của bà vào thời điểm bà còn sống?
Nếu nhìn một trong những bức ảnh dưới đây, ắt hẳn rất nhiều người thời đó hoặc thậm chí cả bạn cũng nghĩ rằng tác phẩm này được thực hiện bởi một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi được biết những tác phẩm này do Vivian Maier chụp, hầu như chẳng ai biết đến tên tuổi cũng như lai lịch của người này. Vậy Vivian Maier là ai và vì sao không ai biết đến tác phẩm của bà vào thời điểm bà còn sống?
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2007, chàng trai John Maloof đã thắng trong một cuộc đấu giá và mua về hàng ngàn cuộn phim âm bản chưa được tráng qua. Mục đích ban đầu của anh là sưu tập những hình ảnh về thành phố Chicago xưa, nhưng khi tiến hành tráng và scan một số cuộn phim này, anh rất bất ngờ với kết quả mang lại. Tất cả những tấm ảnh đường phố này rất có hồn và dường như được chụp từ một nhiếp ảnh gia “cao tay”.
Tuy nhiên khi tìm kiếm thông tin về Vivian Maier trên mạng vào thời điểm đó, John không tài nào “moi” được bất kì tiểu sử của nhiếp ảnh gia bí ẩn này. Quá vui mừng vì mình vớ phải 30.000 tấm ảnh âm bản quý giá này, anh quyết định sẽ trưng bày để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Ban đầu anh đã đưa gần 100 tấm ảnh của Vivian Maier lên trang blog cá nhân, tuy nhiên lại không có mấy ai để ý đến. Sau đó anh quyết định đưa những tấm ảnh này lên Flickr và thật bất ngờ, lượng người theo dõi và bình luận ngày càng tăng lên một cách đáng kinh ngạc. Kể từ thời điểm đó, anh có thêm động lực để lưu trữ và chia sẻ những tác phẩm đẹp của Vivian Maier lên mạng.
John thậm chí cũng đã có lần gửi thư đến Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Metropolitan để nhờ sự hỗ trợ kinh phí tráng phim cũng như tổ chức triển lãm. Tuy nhiên phía Bảo tàng đã từ chối lời đề nghị của anh, chính vì thế anh chàng này đã quyết định tự tổ chức triển lãm riêng để đưa tác phẩm của Vivian Maier đến với công chúng.
Rất nhiều người nhìn nhận những tấm ảnh do Vivian Maier chụp rất chỉnh chu, bố cục và độ sắc nét phải nói là tuyệt vời, cách mà bà tiếp cận chủ thể trên phố cũng rất hay. Hầu hết người xem đều cho rằng bà ắt hẳn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng vì sao chẳng ai có thông tin của bà và vì sao bà lại bí ẩn đến vậy?
Vậy Vivian Maier thực sự là ai?
Cuộc tìm kiếm về lai lịch của Vivian Maier bắt đầu, sau hai năm tìm hiểu và lần dò, cuối cùng anh đã tìm ra một chút manh mối khi tình cờ thấy được một tờ cáo phó. Lúc John Maloof phát hiện ra chủ nhân của những tấm ảnh này là ai cũng là lúc anh biết được bà đã qua đời. Điều làm anh ngạc nhiên hơn nữa chính là nghề nghiệp của Vivian Maier, chẳng liên quan gì đến nhiếp ảnh, cũng không dính dáng gì đến các ngành nghề nghệ thuật, đơn giản cuộc đời của Vivian Maier chỉ kiếm sống bằng nghề bảo mẫu.
Khi bắt đầu tìm hiểu sâu vào, John phát hiện được bà từng làm bảo mẫu trong một gia đình nọ suốt 17 năm, tất cả những người gặp Vivian đều cho rằng bà sống rất kín đáo và bí ẩn, thường vào những ngày nghỉ bà hay cầm chiếc máy ảnh Rolleiflex của mình đi dạo thành phố Chicago để chụp ảnh. Bên cạnh đó, tất cả những gì mà họ biết là bà sinh vào ngày 01/02/1926 tại New York, mẹ bà là người Pháp còn ba là người Áo.
Năm 1956, bà chuyển đến sống tại Chicago, làm nghề bảo mẫu và tiếp tục công việc này trong 40 năm. Trong bộ phim tư liệu “Finding Vivian Maier”, khi phỏng vấn những người chủ trước đây của bà cũng như những đứa trẻ bà từng trông giữ, họ đều mô tả Vivian Maier theo cách khác nhau. Theo đó, với mỗi gia đình mà Vivian gặp, bà đều giới thiệu “lai lịch giả” với những người này, thậm chí bà còn sử dụng giọng khác nhau khi giao tiếp với họ.
Đối với những đứa trẻ bà từng trông giữ, họ cũng miêu tả khác nhau, có người cho rằng bà rất hiền dịu và vui tính, nhưng có người lại nói bà rất nghiêm khắc và đáng sợ. Vào tháng 11 năm 2008, Vivian Maier bị ngã và vùng đầu bị tổn thương, bà được đưa đến bệnh viện ngay sau đó nhưng bệnh tình không thể hồi phục được. Đến tháng 1 năm 2009, bà được chuyển đến nhà dưỡng lão ở Highland Park và qua đời tại đây vào ngày 21/04/2009.
Đam mê chụp ảnh
Vào năm 1949 khi còn ở Pháp, bà đã mua một chiếc máy ảnh dạng hộp Kodak Brownie dành cho dân không chuyên để chụp ảnh. Đặc điểm của chiếc máy này là chỉ có một tốc độ phơi sáng, không có hệ thống lấy nét và không điều chỉnh được khẩu độ. Đến năm 1951, bà chuyển đến New York để làm bảo mẫu và một năm sau bà đã sắm cho mình chiếc máy ảnh khổ trung Rolleiflex để thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh của mình.
Năm 1956, bà bắt đầu để tâm đến kỹ thuật phòng tối và quyết định sử dụng phòng tắm để tráng phim trắng đen của mình. Khi các đứa trẻ đã lớn cũng là lúc công việc bảo mẫu của bà cho gia đình đầu tiên ở Chicago chấm dứt, điều này buộc bà phải ngưng tráng phim và chuyển sang gia đình khác. Cứ thế số lượng phim chưa tráng của bà ngày càng tăng dần tỉ lệ thuận theo số gia đình mà bà làm qua.
Sau một thời gian chụp trắng đen, bà quyết định chuyển sang chụp ảnh màu và đa số phim Vivian chọn là Kodak Ektachrome, chụp chung với Leica IIIc và một số máy phim gương lật khác của Đức. Phải nói rằng cho dù bà chụp ảnh trắng đen hay ảnh màu, ý tưởng, nội dung và bố cục trong mỗi tác phẩm của bà đều rất ấn tượng khiến rất nhiều người cho rằng lẽ ra khả năng của bà xứng đáng ngang hàng với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc thậm chí còn được coi là một trong những nhiếp ảnh gia đường phố bậc nhất của thế kỷ XX.
Vào những năm 1980, Vivian gặp phải trắc trở khác ảnh hưởng đến việc chụp ảnh của mình. Chính áp lực tài chính đã khiến bà lần nữa phải dừng việc tráng phim và số cuộn Ektachrome chưa tráng ngày càng tăng lên. Đến năm 2007, do vấn đề không giải quyết được tiền thuê trọ, số tài sản của bà đã bị đem ra bán đấu giá, trong đó có cả những cuộn phim bị lãng quên, và người mua được phần lớn số phim quý giá này không ai khác chính là John Maloof.
Nhìn vào ảnh của Vivian Maier, có thể thấy được sự chỉnh chu trong từng tác phẩm của bà, từ bố cục cho đến cảm xúc của nhân vật. Những bức ảnh của bà đều đặc tả được bức tranh xã hội Mỹ sung túc và giàu có. Bên cạnh đó, do sử dụng máy ảnh Rolleiflex với kính ngắm từ trên xuống, bà ít bị mọi người chú ý hơn so với những máy ngắm thẳng. Hơn thế nữa, chính bộ dạng của một người bảo mẫu đã giúp bà hòa lẫn cùng thế giới xung quanh, không ai đề phòng cũng như khó chịu trước ống kính của bà.
Ở Pháp, quê mẹ Vivian Maier, trào lưu hiện sinh của J.P. Sartre khuấy đảo với ý thức tự do. Một tự do càng tuyệt đối và bất khả giản lược mà nó biết từ bẩm sinh là phải thoả hiệp và bị ném vào cõi trần gian dày đặc và mù mịt này. Kẻ nào từ khước đảm nhiệm tự do của mình và chạy trốn trách nhiệm thì bị buộc hành xử như một người máy – một sự vật giữa những sự vật. Ở Mỹ, cách mạng công nghiệp phát triển, trào lưu hưởng thụ và văn minh vật chất, hiện hữu và hư vô, lung linh và bất lực của các thân phận làm người. Maier hơn ai hết, lớn lên và cảm nhận, hơn cảm nhận, chính bà sống cuộc đời chính bà như thế: khẳng định ý thức tự do, bản lãnh và quyền được sống xứng đáng. Ảnh của bà như thế.
Những khung hình, một sự mãnh liệt, giằng co của xã hội đời sống: một mặt sung túc hưởng thụ và mặt kia là hình ảnh bên lề thân phận bị xã hội bỏ rơi. Giống như thân phận bi đát của bà khi về già, người ta thường thấy bà ngồi ở ghế đá công viên, ăn đồ hộp, ông chủ garage giải tán nhà kho bán đổ bán tháo mà chính ông cũng không biết sự hiện hữu của mấy thùng chứa phim kia, vì bà không có tiền trả… sống không chỗ gối đầu, không người thân thiết huyết tộc, bị ngã và ra đi vĩnh viễn.
Bên cạnh việc chụp ảnh đường phố, bà còn có hàng trăm tấm ảnh tự chụp chân dung bằng máy phim. Cách mà bà chụp không phải nhan nhản kiểu chúng ta thường thấy trên mạng xã hội ngày nay, trái lại, các bức chân dung tự chụp của Vivian đều có sự pha trộn giữa khung cảnh xung quanh cùng với gương mặt hoặc bóng của bà. Nhưng hầu như tất cả ảnh của bà đều thể hiện sự nghiêm nghị trên khuôn mặt, thậm chí có ảnh còn mang chủ nghĩa của người thích ở một mình.
Diane Arbus từng có câu: “Mỗi bức ảnh là mỗi bí mật về một bí mật. Nó cho bạn thấy càng nhiều thứ thì bạn lại biết về nó càng ít.” Và những tác phẩm của Vivian Maier là minh chứng cho câu nói này, ta càng đào sâu vào cuộc đời của Vivian thì bà lại càng trở nên bí ẩn và khó hiểu đến lạ thường. Có lẽ đối với Vivian Maier, chụp ảnh là một thú vui giúp bà ghi lại khoảnh khắc thường nhật ở thành phố đang sống. Tuy nhiên, bà chọn sự thầm lặng, giữ lại tất cả để cho mình xem mà không hề có ý định đưa ra cho bất kỳ ai xem hoặc không hề muốn dựa vào nhiếp ảnh để kiếm sống.
Phần kết
Chúng ta có thể tạm dừng việc ngẫm về đời một nhiếp ảnh gia kỳ lạ bằng cách mượn lại câu cuối đời của Einstein, khi ông được hỏi có muốn phẩu thuật để hy vọng kéo dài thêm sự sống không, ông bảo: “Tôi đã xong phần việc của mình. Đã đến lúc đi rồi.”
Vivian Maier, nhiều người tiếc nuối, rằng phải chi người ta phát hiện ra bà sớm hơn, hay phải chi bà có thêm một chút điều kiện nào đó, và phải chi bà có thể sống thêm ít năm trong vinh quang trần thế ban tặng vì thùng phim chưa tráng của mình. Có lẽ, như 83 năm sống trên mảnh đất trần gian này thế nào, thì bà cũng ra đi lặng lẽ như thế “tôi đã xong phần việc của mình.”
Hãy cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm của bà!