Độ nhạy sáng ISO đóng vai trò không kém quan trọng so với khẩu độ và tốc độ cửa trập về tác dụng của nó đối với phơi sáng. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu thêm về những lợi thế và bất lợi của việc tăng độ nhạy sáng ISO. (Người trình bày: Tomoko Suzuki)
Trong môi trường thiếu sáng, chúng ta có thể tăng tốc độ cửa trập bằng cách tăng độ nhạy sáng ISO
Những điểm cần lưu ý
– Trong dải độ nhạy sáng ISO bình thường, độ nhạy sáng ISO càng thấp, chất lượng hình ảnh càng cao.
– Tăng độ nhạy sáng ISO cho phép máy ảnh cài đặt tốc độ cửa trập nhanh hơn.
– Nhiễu xuất hiện ở độ nhạy sáng ISO cao hơn.
Nói đơn giản, độ nhạy sáng ISO là khả năng nhạy sáng của cảm biến hình ảnh, được phản ánh như một giá trị chữ số. Người ta nói rằng phơi sáng tạo nên hoặc phá hỏng một tấm ảnh, nhưng độ nhạy sáng ISO cũng là một yếu tố chính trong việc quyết định phơi sáng.
Nếu khẩu độ là độ rộng của tia sáng đi qua và tốc độ cửa trập là thời gian cần để tia sáng đi qua, thì độ nhạy sáng ISO mô tả khả năng nhạy sáng của cảm biến hình ảnh. Giá trị này càng cao, máy ảnh càng nhạy sáng. Ngay cả ở môi trường tối hoặc khi chụp cảnh đêm, chúng ta vẫn có thể chụp được ảnh đẹp, sáng. Nói cách khác, giả định rằng chúng ta không cần ảnh sáng hơn, độ nhạy sáng ISO càng cao sẽ cho phép có tốc độ cửa trập càng cao. Bằng cách điều chỉnh độ nhạy sáng ISO, chúng ta tăng tốc độ cửa trập. Bằng cách đó, chúng ta có thể tránh nhòe do rung máy hoặc nhòe do chuyển động của đối tượng.
Độ nhạy sáng ISO càng cao cũng cho phép chúng ta có được khẩu độ càng hẹp mà không làm giảm độ sáng của ảnh, miễn là chúng ta sử dụng một tốc độ cửa trập cố định (chẳng hạn như bằng cách sử dụng chế độ Shutter-Priority AE).
Độ nhạy sáng ISO là một chức năng hữu ích, nó cũng có những bất lợi. Độ nhạy sáng ISO càng cao, nó sinh ra nhiễu càng nhiều. Ảnh tổng thể sẽ có hạt. Vâng, hiện nay có những máy ảnh có tính năng giảm nhiễu, nhưng hầu hết các nhiếp ảnh gia vẫn sẽ cố gắng hết sức duy trì độ nhạy sáng ISO ở một thiết lập vừa đủ để tránh nhòe do rung máy. Thông thường, thiết lập này gần với độ nhạy sáng ISO cơ sở (độ nhạy sáng ISO bình thường thấp nhất) ở mức có thể, nhưng có thể cao hơn tùy vào ý định nhiếp ảnh và điều kiện chụp.
Ví dụ, bạn có thể cố không sử dụng độ nhạy sáng ISO cơ sở khi chụp ảnh vệt sáng và các tòa nhà vào ban đêm. Tuy nhiên, bạn sẽ cần một độ nhạy sáng ISO cao hơn để tránh rung máy khi chụp ảnh cầm tay vào ban đêm. Và nếu bạn muốn chụp sao, ngay cả khi bạn sử dụng chân máy, chắc chắn bạn sẽ cần cả tốc độ cửa trập thấp và độ nhạy sáng ISO cao.
Từ trái sang:
EOS 5D Mark III/ EF50mm f/1.4 USM/ FL: 50mm/ Aperture-priority AE (f/5.6, 2.5 giây, EV-0,7)/ ISO 100/ WB: Auto
EOS 5D Mark III/ EF50mm f/1.4 USM/ FL: 50mm/ Aperture-priority AE (f/5.6, 1/6 giây, EV-0,7)/ ISO 1600/ WB: Auto
EOS 5D Mark III/ EF50mm f/1.4 USM/ FL: 50mm/ Aperture-priority AE (f/5.6, 1/50 giây, EV-0,7)/ ISO 12800/ WB: Auto
Từ khóa: ISO AUTO
Khi di chuyển từ một môi trường sáng sang một môi trường tối, hãy nhớ tăng độ nhạy sáng ISO, nếu không sẽ có nguy cơ rung máy. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể quên, bạn có thể để máy ảnh ở chế độ ISO AUTO. Đây là một tính năng tiện lợi tự động điều chỉnh độ nhạy sáng ISO trên máy ảnh sao cho thiết lập tốc độ cửa trập sẽ đủ nhanh để tránh rung máy. Nó cũng có thể tránh tình trạng máy ảnh sử dụng cùng độ nhạy sáng ISO cao để chụp ảnh ngay cả sau khi bạn đã chuyển từ môi trường tối sang môi trường sáng.
Khi cài đặt ISO AUTO, hãy chọn [AUTO (Tự Động)] trên màn hình để cài đặt. Khi chọn AUTO, máy ảnh sẽ tự động quyết định độ nhạy sáng ISO tùy theo cảnh và chế độ ảnh. Đây là một tính năng rất tiện lợi, giúp ổn định ảnh khi có rung máy và nhòe chuyển động của đối tượng.
Khi cài đặt độ nhạy sáng ISO thành AUTO, cũng có thể cài đặt giới hạn trên của độ nhạy sáng mà máy ảnh có thể vận hành ở đó. Nếu giới hạn trên được cài đặt càng cao, mặc dù có thể dễ dàng chụp ảnh ở các cảnh tối hoặc với các đối tượng tối, sẽ có nhiễu nhiều hơn. Cài đặt độ nhạy sáng ISO thành một thiết lập sẽ không ảnh hưởng quá tệ đến chất lượng hình ảnh.
Thủ thuật hữu ích: Sự khác biệt giữa độ nhạy sáng ISO bình thường và độ nhạy sáng ISO mở rộng
Một số máy ảnh phân biệt giữa độ nhạy sáng ISO bình thường và độ nhạy sáng ISO mở rộng. “Độ nhạy sáng ISO bình thường” (cũng được gọi là “độ nhạy sáng ISO cơ bản”) là dải độ nhạy sáng ISO mà hãng sản xuất máy ảnh đã kiểm nghiệm và xem là sẽ mang lại chất lượng hình ảnh tối ưu cho bạn. “Độ nhạy sáng ISO mở rộng” là độ nhạy cao hơn hoặc thấp hơn dải độ nhạy sáng ISO bình thường, và thường sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh phần nào khi bạn sử dụng nó. Khi quyết định nên sử dụng thiết lập nào, hãy cân nhắc mục đích và đối tượng chụp. Nếu chất lượng hình ảnh là quan trọng, bạn nên sử dụng dải độ nhạy sáng ISO bình thường.
Trên hầu hết các máy ảnh, độ nhạy sáng ISO mở rộng được tắt theo mặc định. Một số máy ảnh cho phép bạn cài đặt độ nhạy sáng ISO mở rộng thấp hơn bên cạnh độ nhạy sáng ISO mở rộng cao hơn.
Chức năng Giảm Nhiễu giúp giảm tác động nhiễu khi chụp ảnh ở độ nhạy sáng ISO cao hoặc phơi sáng lâu. Chọn mức phù hợp tùy theo cảnh.
Nguồn: snapshot.canon-asia
Bài viết trước: Những Điểm Cơ Bản về Máy Ảnh #4: Bù Phơi Sáng
Bài tiếp theo: Những Điểm Cơ Bản về Máy Ảnh #6: Cân Bằng Trắng