Sau khá nhiều tin tức nóng hổi khi Canon ra mắt chiếc máy mới Canon EOS R3. Hãy cùng tôi điểm qua lại những đặc điểm nổi bật của Sony Alpha 1 – một chiếc máy hội tụ đủ những yếu tố để đứng đầu dòng máy ảnh của Sony. Để xem liệu hai chiếc máy ảnh Sony Alpha 1 và Canon EOS R3 có gì khác nhau.

Sony Alpha 1
Sony Alpha 1

Với mức giá lên tới $6500 (~150 triệu VND), không khó để chúng ta có thể hiểu Sony A1 thực sự là ở một phân khúc vô cùng cao cấp. Tuy nhiên, các cụ đã có câu “đắt sắt ra miếng”, vì vậy, Sony A1 cũng là chiếc máy mang trong mình rất nhiều công nghệ khủng; vừa có độ phân giải cao và tốc độ chụp cũng rất nhanh; thông số quay phim cũng ở mức hàng đầu; có thể nói là sự kết hợp hoàn hảo của dòng Sony A7R và A7S. Nói không ngoa thì chiếc Sony A1 này có thể cân tất cả các thể loại chụp từ chân dung, thể thao, phóng sự, thiên nhiên hoang dã, cho tới mảng chụp thương mại in ấn.

Sau đây là những điểm thực sự xuất sắc của chiếc máy sinh ra với trách nhiệm đứng thứ nhất này!

Dáng vẻ bên ngoài – thao tác sử dụng

Đây có lẽ là phần ít mới mẻ nhất trong toàn bộ chiếc máy Sony A1, bởi lẽ bên ngoài của chiếc máy này gần như tương tự với chiếc Sony A7SIII mới ra mắt cách đây không lâu.

Vẫn một báng cầm tương đối ổn, những vòng xoay và nút bấm đã được cải thiện dần dần thông qua các đời máy; vẫn là chiếc menu mới toanh mà sẽ bớt làm khó người dùng đi nhiều so với những đời máy A7M3 hay A7R3/R4, thật may là chúng cũng có thể lựa chọn thông qua màn hình cảm ứng.

Thân máy nhỏ gọn, báng cầm thoải mái, chắc chắn
Thân máy nhỏ gọn, báng cầm thoải mái, chắc chắn

Giống là vậy, nhưng A1 cũng có những điểm khác biệt như: chiếc màn hình LCD ở dạng lật lên, chứ không phải xoay lật hẳn ra ngoài như A7SIII. Thêm vào đó là Sony A1 có thêm các cổng kết nối mạng Ethernet tốc độ cao, giống với dòng A9 nhưng tất nhiên là với tốc độ nhanh hơn nhiều; đây cũng là chiếc máy đầu tiên được trang bị cổng USB có tốc độ cao lên tới 10Gb/s, nhanh gấp 10 lần so với cổng mạng Ethernet thông thường.

Màn hình LCD ở dạng lật lên
Màn hình LCD ở dạng lật lên

Được trang bị hai khe thẻ CFExpress Type-A, tuy nhiên, hai khe này lại đều có thể cắm thẻ SD vào. Vì vậy, bạn cũng không cần phải lo lắng việc khó khăn khi tìm thẻ CFExpress Type-A, hiện tại đang được độc quyền bởi Sony.

Sony a1 có 2 khe cắm thẻ nhớ
Sony A1 có 2 khe cắm thẻ nhớ

Mạng WIFI của Sony A1 cũng được nâng cấp với hai băng tần 2.4GHz và 5Ghz, kèm theo đố là công nghệ MIMO (Multi-in, multi-out) ở băng tần 5GHz, cho phép tốc độ chuyển tải file sẽ nhanh gấp 3,5 lần so với A9 II.

Các cống kết nối của Sony A1
Các cống kết nối của Sony A1

Sony A1 vẫn sử dụng pin FZ-100, cho phép chụp khoảng 530 ảnh khi sử dụng màn LCD và khoảng 430 ảnh khi dùng ống ngắm điện tử (EVF), sở dĩ có chuyện dùng qua ống ngắm lại nhanh hết pin hơn vì ống ngắm điện tử của Sony A1 có độ phân giải lên tới 9.44 Megapixel và dùng công nghệ OLED, nó sẽ ngốn kha khá pin của bạn đấy.

Sony A1 viewfinder
Sony A1 viewfinder

Vẫn về số lượng ảnh chụp được, 530 hay 430 ảnh ở đây được chụp ở điều kiện thông thường, không phải tua shot nên không phải cứ hết 430 ảnh là hết pin đâu nhé! Pin của A1 có thể sạc qua cổng USB-C với công nghệ PD, rất tiếc là nếu bạn đang dùng máy mà muốn sạc thì máy chỉ cấp nguồn để hoạt động chứ pin sẽ không được sạc.

Cấu hình bên trong Sony A1

Cảm biến full-frame 50 Megapixels

Trái tim của chiếc A1 là cảm biến 50mpx hoàn toàn mới Exmor RS với công nghệ chồng lớp (Stacked CMOS) đã từng xuất hiện trên dòng A9 của hãng, giúp cho tốc độ đọc và ghi dữ liệu sẽ ở mức rất cao. Sony cho biết tốc độ đọc của cảm biến mới này nhanh gấp 1,5 lần so với chiếc A9, bất chấp số megapixel của A1 lớn gấp đôi.

Bên trái là cảm biến thông thường còn bên phải là cảm biến Exmor RS mới [1] Mạch xử lý tín hiệu [2] Các photodiode [3] Cảm biến hình ảnh [4] Bộ nhớ RAM
Bên trái là cảm biến thông thường còn bên phải là cảm biến Exmor RS mới [1] Mạch xử lý tín hiệu [2] Các photodiode [3] Cảm biến hình ảnh [4] Bộ nhớ RAM

Thêm vào đó, chiếc A1 sẽ có chất lượng hình ảnh tuyệt vời khi quay S-Log ở ISO 4000, đây là một cảm biến có Dual Native ISO với một mức là 4000. Dual Native ISO (Dual Gain) là một công nghệ được sử dụng khá nhiều trên những chiếc máy quay hoặc máy ảnh thiên hướng quay phim trong thời gian gần đây, giúp cho bạn chọn một trong hai mức ISO nhất định để giảm nhiễu cũng như lấy được nhiều thông tin Dynamic Range (dải nhạy sáng) nhất.

Video về trải nghiệm Sony Alpha 1 của NAG Cristiano Ostinelli từng đoạt nhiều giải thưởng về chụp ảnh cưới
Khả năng chụp hình liên tiếp cực ấn tượng

Khả năng chụp liên tiếp của A1 cũng là một điểm ấn tượng, đặc biệt là khi số megapixel lên tới 50mpx. Trên thực tế, chiếc Sony A1 có khả năng chụp liên tiếp lên tới 30 hình/s ở chế độ file RAW Lossy Compressed (Chế độ Raw chất lượng thấp và nhẹ hơn), còn khi dùng chế độ mới là Lossless Compression RAW hay Uncompressed RAW thì máy sẽ giảm tốc độ chụp xuống 20 hình/s.

Khả năng chụp ảnh liên tiếp của Sony A1
Khả năng chụp ảnh liên tiếp của Sony A1

Nhưng con số khủng như 20-30 hình/s trên thì đều chỉ có thể thực hiện được ở chế độ màn trập điện tử, còn đối với màn trập cơ học thì tốc độ sẽ khiêm tốn hơn một chút, 10 hình/s.

Sony A1 cũng cải thiện được tình trạng bị méo, biến dạng đường thẳng
Sony A1 cũng cải thiện được tình trạng bị méo, biến dạng đường thẳng

Thêm nữa là Sony A1 cũng cải thiện được tình trạng bị méo, biến dạng đường thẳng khi chụp hành động nhanh với màn trập điện tử. Đây là một hiện tượng thường xảy ra ở phần lớn máy ảnh hiện tại.

Chế độ file RAW mới Lossless RAW

Như đã được nhắc đến ở phần trên, Sony A1 có một chế độ file RAW hoàn toàn mới, lần đầu xuất hiện trên các máy ảnh Sony, đó là Lossled RAW Compression.

Chế độ file RAW mới của Sony A1
Chế độ file RAW mới của Sony A1

Đây là chế độ cho phép bạn giảm hẳn dung lượng của file đi cỡ khoảng 20-50% so với file gốc (giảm được bao nhiêu tùy vào nội dung ảnh). Dung lượng nhỏ là vậy nhưng về mặt chất lượng thì nó lại hứa hẹn giữ được hết các chi tiết mà cảm biến có thể thu được, như cái tên của nó Lossless. Chế độ này hiện tại chỉ có trên A1 và chưa chắc sẽ được cập nhật lên các đời máy cũ hơn.

Yếu điểm của dạng file này nếu có sẽ là: Vì có độ nén lớn, nên máy tính xử lý sẽ cần mạnh hơn một chút so với file RAW thông thường.

Khả năng lấy nét không phải bàn cãi

Trong vài năm gần đây, có thể nói Sony đã có một cuộc cạnh tranh khá ác liệt với Canon về khả năng lấy nét. Đặc biệt với những chiếc Sony A6400, A7R4 thời gian gần đây nhận được nhiều lời tán thưởng với chế độ Real-time AF tracking có thể nói là có độ chính xác nhất trong giới máy ảnh hiện tại.

Sony A1 được trang bị con chip thế hệ mới
Sony A1 được trang bị con chip thế hệ mới

Vì vậy, với chiếc máy đỉnh bảng như Sony A1, không phải bàn cãi gì khi nó được hội tụ nhiều công nghệ mới nhất, đặc biệt là với con chip hoàn toàn mới BionZ XR hứa hẹn cho khả năng xử lý, tính toán nét vượt trội gấp đôi so với chiếc Sony a9 II.

Video giới thiệu khả năng lấy nét và chụp liên tiếp của Sony A1

Với công nghệ máy học (machine learning), hiện tại Sony A1 ngoài nhận diện mắt của người, động vật, nay đã có thể nhận diện được cả mắt của các loài chim (birds).

Video trải nghiệm khả năng lấy nét mắt động vật, chim của Sony A1

Với 92% diện tích cảm biến được bao phủ bởi 759 điểm lấy nét theo pha, bạn gần như sẽ không gặp khó khăn gì khi lấy nét. Đặc biệt là kể cả ở crop-mode (21mpx), số điểm lấy nét trên vẫn không thay đổi, nhưng chỉ là khi dùng ống FE (full-frame) thôi nhé, còn khi dùng ống Crop thì không được đâu.

Khả năng quay video 8K và 4K của Sony A1

Đây chắc chắn cũng là phần nhiều người quan tâm nhất, về một chiếc máy ảnh thứ hai có khả năng quay 8K. Đúng vậy! Sony A1 chỉ là chiếc máy thứ hai có khả năng quay 8K mà thôi, vì trước đó Canon EOS R5 đã chiếm được thành tích “người đầu tiên”.

Tuy nhiên, việc thông số giấy tờ và khả năng vận hành thực tế có song hành được với nhau hay không thì là điều hoàn toàn khác. Vì trên thực tế, khả năng quay 8K hay thậm chí 4K của EOS R5 đều đang gặp chút vấn đề quá nhiệt (overheat), đây được cho là một động thái kềm hãm sức mạnh của Canon vì không muốn động vào phân khúc máy quay Cinema của hãng này. Nhưng Sony thì lại luôn là kẻ phá vỡ những rào cản về công nghệ ở ngành này và làm cho đối thủ phải đau đầu.

Video trải nghiệm chế độ quay 8K của Sony A1

Với một cảm biến 50mpx, Sony đã chọn một cách tiếp cận là thu vào toàn bộ tín hiệu trên bề mặt cảm biến (8640 x 4860) rồi sau đó thu nhỏ lại thành cỡ 8K tỉ lệ 16:9 (7680 x 4320), giúp giảm thiểu hiện tượng moire trên hình. Bạn có lựa chọn quay trực tiếp vào thẻ ở độ phân giải 8K ở 30/25/24fps, 10-bit 4:2:0, bit-rate lên tới 400Mbps với codec H265. Đáng chú ý là file 8K chất lượng cao nhất vẫn có thể ghi vào thẻ SD UHS-II V90, đây là một loại thẻ có giá thành rẻ hơn và dễ kiếm hơn so với CFExpress Type A mà Sony đang độc quyền.

Tiếp theo, nếu bạn đang tự hỏi việc liệu nếu ghi ra một bộ ghi ngoài như của Atomos thì có chất lượng file cao hơn không? Thì xin chia buồn là ở độ phân giải 8K này, bộ ghi ngoài cũng như băng thông của cable HDMI hiện tại vẫn chỉ có thể cho phép Sony ghi ra một file 8K với thông số kém ấn tượng là 8-bit 4:2:0.

Video trải nghiệm chụp ảnh, quay phim ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau của Sony A1

Với chế độ quay 4K, Sony A1 có một thông số quá ấn tượng, khi có thể quay được 4K 24/25/30/60 và thậm chí là 120fps (crop 1.1x) nhưng vẫn duy trì được chất lượng file 10-bit 4:2:2.

Khác với dòng a9 trước đó, vì tập trung thiên về chụp ảnh hơn, nên không có các tùy chọn profile S-Log 2,3 hay HighLogGamma 10-bit; Sony A1 được bổ sung hoàn toàn những tùy chọn này từ A7S3. Sony cho biết với profile S-Log3, Sony A1 có thể thu nhận dải nhạy sáng (Dynamic Range) lên tới 15 EV, một con số tương đương với những máy quay. Thậm chí, chiếc máy này còn được trao tặng một thứ thú vị hơn là profile màu S-Cinetone, hiện mới chỉ có mặt trên máy quay chuyên nghiệp FX9 của Sony.

Màu S-cinetone ở Sonh FX9 cũng đã có trên Sony A1

Ở chế độ quay RAW, Sony A1 có file raw 16-bit 4K RAW có thể quay ở tất cả các chế độ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại Sony chưa công bố bộ ghi ngoài nào có thể ghi được RAW, nhưng nhiều khả năng sẽ là ProResRAW từ Atomos Ninja V – bộ ghi ngoài phổ biến nhất hiện nay.

Khả năng thoát nhiệt của Sony A1
Khả năng thoát nhiệt của Sony A1

Quá nhiệt  – cụm từ nổi nhất năm vừa rồi có lẽ cũng là một trong những bận tâm của người dùng khi nghe về khả năng quay 8K. Tuy nhiên, Sony có vẻ khá tự tin về khả năng thoát nhiệt của chiếc máy đỉnh bảng này, được biết A1 sử dụng chung thiết kế thoát nhiệt của A7S3, và cho khả năng “quay 8K tới hơn 30 phút”.

Những cải tiến mới với đèn Flash

Kể từ khi ra mắt dòng full-frame đầu tiên, Sony luôn cố gắng đưa nhiều công nghệ vào sản phẩm của họ, tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều phàn nàn bởi sự tương thích với những phụ kiện như Flash chưa thực sự ổn.

Và trong sản phẩm mới nhất này, có khá nhiều điều đã được cải tiến với màn trập điện tử. Màn trập điện tử của A1 giờ đã cho phép có tốc độ đồng bộ đèn flash thông thường lên tới 1/200s. Đặc biệt, trong crop mode (21mpx), tốc độ này thậm chí lên tới 1/300s và với Super 35 mode, nó thậm chí có thể đồng bộ với tốc độ 1/400s và 1/500s. Tuy nhiên, những tốc độ như 1/500s sẽ chỉ có thể được đồng bộ khi bạn sử dụng flash của hãng, loại có chân Multi-shoe.

Video trải nghiệm khả năng chụp nhanh với Flash của Sony A1

Đây là thành quả của một cơ chế màn trập hoàn toàn mới của Sony, họ sử dụng cả motor và con quay để tăng tốc độ khi đóng lại, từ đó loại bỏ các vấn đề mảng đen khi chụp với đèn flash.

Chế độ Anti-Flicker mới với màn trập điện tử

Tính năng anti-flicker thực ra không mới, tuy nhiên, ở chế độ màn trập điện tử thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Với đa phần các máy ảnh mirrorless trên thị trường, nếu bạn chuyển sang chế độ chụp màn trập điện tử để tắt tiếng màn trập, hay tối ưu tốc độ chụp liên tiếp lên cao nhất, chế độ anti-flicker sẽ không hoạt động, dẫn đến ảnh của bạn hoàn toàn có thể bị nháy đèn.

Là một chiếc máy ảnh được định nghĩa là có thể chụp tất cả các thể loại, kể cả thể thao với tốc độ chụp lên tới 30 hình/s, nên vấn đề chống bị nháy đèn (anti-flicker) cũng là điều cực kì quan trọng với Sony A1.
Là một chiếc máy ảnh được định nghĩa là có thể chụp tất cả các thể loại, kể cả thể thao với tốc độ chụp lên tới 30 hình/s, nên vấn đề chống bị nháy đèn (anti-flicker) cũng là điều cực kì quan trọng với Sony A1.

Và thế là quái vật A1 với khả năng chụp liên tiếp 30 hình/s với màn trập điện tử đã được trang bị một cơ chế anti-flicker “mới mà cũ”. Theo đó, chế độ mới này sẽ tìm khoảng sáng an toàn trong khoảnh khắc bạn bấm chụp, đây là một cơ chế đã xuất hiện trên chiếc Canon EOS 7D từ khá lâu, nhưng việc được áp dụng trên màn trập điện tử thì là một công nghệ rất mới.

Tạm Kết
Video giới thiệu Sony Alpha 1

Không phải tự nhiên mà chiếc máy này được Sony đặt một mức giá cao hơn hẳn so với chiếc máy mà mọi người cho rằng là đối thủ nếu nhìn qua về thông số là Canon EOS R5 ($6499 so với $4000 – cao hơn gấp rưỡi) và mới nhất hiện nay là Canon EOS R3 ( $5,999). Có những điều có thể bạn sẽ cho là nhỏ nhặt nếu không là người dùng khắt khe hoặc ở một điều kiện ngặt nghèo, nhưng Sony A1 có vẻ đã khá sẵn sàng để làm một chiếc máy có thể đáp ứng những điều như vậy. Đặc biệt trong bối cảnh những chiếc máy như a9 hay a9 II chưa thể chiếm nhiều vị trí ở các ngày hội thể thao lớn, bởi những yêu cầu khắt khe về tính tương thích, hoặc sự ổn định khi hoạt động với yêu cầu cao.

Nguồn: 50mm Vietnam

Bạn có thích bài viết của Quang Ho không? Theo dõi trên mạng xã hội!

Chọn Chủ đề

NHIẾP ẢNH KIẾN TRÚC

THẺ TAG

Đăng nhập

Chào mừng bạn tới VietPixel

Hãy cùng xây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh hữu ích cho Việt NAm
Tham gia VietPixel